Bạn đã bao giờ cảm thấy quá mệt mỏi, phải dành trọn buổi chiều thứ Bảy để massage? Điều này thỉnh thoảng có hiệu quả giúp thư giãn. Tuy nhiên, trong một số lần khác, bạn lại rời khỏi tiệm massage với tâm trạng còn tệ hơn khi đến. Bạn trở nên kích động và nhạy cảm hơn chứ không chỉ đơn thuần là mệt mỏi nữa. Có thể bạn đã có được khoảng thời gian thư giãn đầu óc, hoặc ít nhất là với đôi chân, nhưng sâu bên trong vẫn là cảm giác thiếu đi điều gì đó.
Khi nhắc đến thư giãn, hầu hết mọi người chỉ nghỉ đến cách tiếp cận rất phiến diện chính là ngồi yên và không làm gì. Bởi vì chúng ta nghĩ rằng đó chính là định nghĩa của nghỉ ngơi. Hoặc trong trường hợp thức dậy sau khi ngủ một giấc dài, cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thì vấn đề lúc đó không còn là vì giấc ngủ nữa mà chính là cảm giác thiếu hụt do nghỉ ngơi không đúng cách.
Để có được kiểu nghỉ ngơi phù hợp, bạn cần phải xác định được những gì mà cơ thể đang thiếu. Đối với nhiều người, việc thiếu hụt về một khía cạnh nào đó có thể dẫn đến rất nhiều biểu hiện tiêu cực. Chẳng hạn như nếu đang thiếu hụt sự nghỉ ngơi về mặt tinh thần, bạn sẽ mất đi sự tập trung. Nếu đang bị thiếu hụt cảm xúc, bạn có thể bị kích động, đặc biệt là với người bạn đời của mình kể cả khi họ không làm gì. Và khi tìm ra được nhu cầu nghỉ ngơi, bạn cần điều chỉnh thời gian cũng như hình thức nghỉ ngơi sao cho hợp lý nhất với nhu cầu cụ thể đó.
Hiện nay, có rất nhiều người nghĩ rằng hủy bỏ các kế hoạch và ngồi xem tivi là một hình thức nghỉ ngơi. Nhưng đó là phương pháp sai lầm bởi vì kết quả chỉ làm cho cơ thể kiệt sức hơn trước.
Dưới đây là vài dạng thức nghỉ ngơi để đáp ứng những thiếu hụt nhất định của cơ thể nhằm mang lại khoảng thời gian thư giãn thật sự.
1. Thư giãn về thể chất
Bạn sẽ nhận thấy rất rõ ràng nếu cơ thể rơi vào trạng thái kiệt sức về thể chất. Cụ thể là cảm giác khó khăn để giữ cho đôi mắt không nhắm lại, hoặc lê đôi chân đến giường ngủ nặng nhọc như là đang đi qua bãi cát lún. Hình thức nghỉ ngơi thể chất phổ biến nhất chính là ngủ. Do đó, hãy cân nhắc việc có một giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút.
Ngoài ra, nghỉ ngơi thể chất còn là thường xuyên hít thở sâu trong suốt ngày dài làm việc, hoặc tham gia lớp yoga để các bộ phận của cơ thể được duỗi thẳng ra. Sau cùng, nếu cơ thể cảm thấy có nhiều năng lượng hơn (và ít ngáp hơn) là dấu hiệu tích cực cho thấy việc nghỉ ngơi có hiệu quả.
2. Nghỉ ngơi về tinh thần
Bạn có bao giờ cảm thấy như não của mình bị vắt kiệt chưa? Chẳng hạn như bạn nhìn chằm chằm vào 1 trang sách trong suốt 10 phút hoặc gửi đi những email mà chính bạn cũng không hiểu được. Đó chính là lúc để cho tinh thần nghỉ ngơi vì những suy nghĩ trong đầu đang bắt đầu chuyển sang hướng tiêu cực.
Trong lần tiếp theo cần nghỉ ngơi về mặt tinh thần, hãy tắt hết các màn hình và dành ra ít phút chỉ để tập trung vào bản thân. Kèm theo đó, hãy thử áp dụng thiền định vào cuộc sống bằng cách lặp đi lặp lại một câu thiền nhẹ nhàng nào đó.
3. Nghỉ ngơi xã hội
Những cuộc gặp gỡ với các mối quan hệ xã hội có thể rất mệt mỏi, nhưng nếu đó là cuộc hẹn với những người có khả năng giúp bạn phục hồi thì tác dụng mang lại là sự cân bằng.
Nghỉ ngơi xã hội có thể bắt đầu từ việc tìm và trò chuyện với một người bạn cũ nào đó – người có thể hiểu được bạn nghĩ gì và cảm thấy như thế nào mà không cần phải giải thích dài dòng. Hoặc chỉ đơn giản là tắt hết các kênh liên lạc và tự kết nối với chính bản thân mình
4. Thả lỏng sự sáng tạo
Sự sáng tạo sẽ trở nên linh hoạt hơn rất nhiều nếu nó được nghỉ ngơi đủ. Nếu phải động não trong việc tìm giải pháp cho công việc hoặc lên ý tưởng cho một buổi tiệc thì cũng đồng nghĩa với nhu cầu nghỉ ngơi cần tăng lên.
Hãy để cho bản thân thư giãn một chút bằng cách đi dạo, hòa mình vào thiên nhiên hay đọc một quyển sách. Để bản thân được lắp đầy bởi những nguồn cảm hứng và bổ sung nguồn tài nguyên đã cạn kiệt trong tâm trí.
5. Nghỉ ngơi về cảm xúc
Hãy nghĩ lại về việc bản thân cảm thấy như thế nào sau một chuyện buồn, một lần tan vỡ hoặc sau khi xem lại Titanic – đói, mệt lã và bối rối cùng lúc. Cảm xúc khi đó cần được nghỉ ngơi bằng cách giải tỏa với người sẵn sàng lắng nghe, sau đó tiếp tục trao đổi để ngăn chặn tình trạng quá tải cảm xúc trong tương lai. Bạn cũng có thể đến các buổi trị liệu hoặc gặp gỡ người mà bạn hoàn toàn là chính mình khi ở bên.
6. Nghỉ ngơi về tâm hồn
Cảm thấy lơ lửng, không an toàn, hoặc cô đơn là những dấu hiệu cho thấy tâm hồn bạn cần được nghỉ ngơi. Bạn có thể thử bằng cách tìm đến với đức tin của chính mình, hay đặt ra một mục tiêu cụ thể nào đó để thực hiện. Tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng có thể giúp bạn tìm lại tâm hồn theo cách tiếp cận với những người bạn mới đến từ mọi nơi trên trái đất.
7. Nghỉ ngơi về giác quan
Kiệt sức về mặt giác quan là phổ biến nhất. Và một trong những cách giúp bạn có thể bắt kịp lại giác quan của mình chính là đặt công nghệ sang một bên, bước ra ngoài để hít thở không khí.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đồng thời bỏ qua việc cầm điều khiển, ngồi thừ trước màn hình ti vi và tự hỏi rằng đó có thật sự là cách thư giãn mà bạn cần hay không. Sau khi đã có câu trả lời, hãy cân nhắc việc đi dạo và hòa mình cùng thiên nhiên, mua một món đồ hoặc đọc một quyển sách cũ nào đó.
Thiên Khuê