Nguồn gốc nghi lễ dâng hương Táo quân
Trong các vị thần thời cổ thì thần bếp hay Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là “tay chân” của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà.
Táo quân (dân gian gọi nôm na là ông Công ông Táo) thường ngày ghi lại những công, tội, tốt, xấu của mọi người để hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt, phạt cái xấu, cái ác.
Vì vậy, dân gian nhà nào cũng thành tâm thờ cúng Táo quân, không dám đơn sai. Người dân thờ cũng Táo quân không phải chỉ vì sợ phạt mà còn chủ yếu là muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp.
Sự tích Táo quân có nhiều dị bản, cũng có người nói là những chuyện thêu dệt nhằm ổn định trật tự xã hội, nhưng việc dân gian thờ cúng Táo quân có thể bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với lửa.
Từ thủa hoang sơ, con người vật lộn với thiên nhiên và học được cách dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Thức ăn chín nhờ lửa khiến cho thể chất con người khỏe mạnh, cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành một trong những vật sùng bái tự nhiên của con người.
Từ đó dân gian cho rằng lửa đã ban phúc cho loài người. Đống lửa không bao giờ tắt, phải được ủ và đốt trong bếp, vì thế thần lửa và thần bếp (Táo quân) là một.
Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, tại Việt Nam, các gia đình thường làm lễ dâng hương tiễn ông Táo về trời. Ngoài những vật phẩm cúng lễ thường kỳ trong năm, người ta thường cúng dâng thêm cá chép sống, cúng xong thường phóng sinh (thả) ra ao hồ, sông ngòi vì tin rằng cá chép sẽ hóa rồng đưa ông Táo lên trời.
Bài cúng ông Công ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân
Tín chủ con là:
Ngụ tại:
Nhân ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, vật phẩm, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần gia ân châm chước, ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già an ninh khang thái.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Ngọc Khánh (t/h)