Sau tuổi 40, hiện tượng đau lưng, vùng thắt lưng, loãng xương đã bắt đầu xuất hiện ở phụ nữ và ngày một rõ rệt.
Một số các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ sau tuổi 35, sức mạnh cơ bắp cứ 10 năm lại suy giảm 10 – 20%, thường xuất hiện các cảm giác khó chịu ở các khớp xương, đồng thời dễ phát sinh những biến đổi có tính suy thoái như loãng xương, có bệnh ở cột sống cổ.
Sau tuổi 40, phụ nữ phải chuẩn bị đối mặt với nguy cơ bệnh lý về xương khớp.
Loãng xương – bệnh lý xương khớp phổ biến
Một trong những bệnh lý thường gặp về xương khớp là loãng xương. Loãng xương là căn bệnh không gây chết người nhưng là mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Càng nhiều tuổi, mật độ xương càng giảm và loãng dần, đặc biệt là những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng.
Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp.
Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Nếu không được điều trị, loãng xương có thể khiến bệnh nhân bị gãy xương một cách dễ dàng. Gãy xương hông và gãy xương cột sống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của bệnh nhân và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid… cũng dễ bị loãng xương.
Loãng xương ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Thoái hóa khớp gối
Khớp gối có vị trí nằm ở đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày, mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp.
Khi khớp gối bị thoái hóa là hiện tượng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối, biểu hiện là sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp.
Biểu hiện của bệnh đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm, lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều, hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc, thường xuất hiện vào ban đêm.
Nếu khớp bị thương tổn nhiều, dịch khớp sẽ càng ngày càng kém, độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn, dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối gây đau, vận động khó khăn.
Nguyên nhân bệnh chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác, nhất là những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, đứng lâu hoặc công việc và béo phì.
Nguyên nhân thoái hóa khớp gối chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác.
Đau lưng
Trong đau lưng thì đau lưng dưới là bệnh xương khớp phụ nữ cũng hay gặp. Một trong những nguyên nhân phổ biến là tổn thương cơ lưng dưới tiến triển từ từ do vận động quá mức trong thời gian dài, tư thế xấu, ngủ sai tư thế hoặc kỹ thuật nâng không phù hợp.
Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến diện khớp liên kết 2 đốt sống trên cột sống và các đĩa đệm giảm xóc giữa hai đốt sống. Theo thời gian, các hoạt động hàng ngày cũng có thể dẫn đến tổn thương nhỏ ở những vùng này và cản trở việc cử động cũng như thực hiện chức năng trơn tru. Do đó, sẽ xuất hiện những cơn đau, hạn chế về cử động và tình trạng thoái hóa có thể dẫn đến đau toàn bộ vùng lưng dưới, không rõ nguyên nhân.
Khi bị đau lưng dưới, người bệnh có cảm giác đau hay tư bàn chân , đau khi ho hoặc hắt hơi, co thắt cơ và cử động bị hạn chế. Đau khi phải bê vác nặng, gắng sức. Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp điều trị chỉ bao gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, tập thể dục hợp lý và dùng thuốc.
Viêm khớp cột sống
Viêm khớp cột sống hay còn gọi là thoái hóa cột sống thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi. Đó là tình trạng thoái hóa các khớp, dây chằng và đĩa đệm ở cột sống. Áp lực lặp đi lặp lại đè lên cột sống, chấn thương và hao mòn do tuổi tác là những nguyên nhân chính gây thoái hóa cột sống. Trong những trường hợp nặng, thoái hóa cột sống có thể tạo áp lực đè lên rễ thần kinh, gây đau hoặc cảm giác ngứa ran ở chân hoặc cánh tay.
Triệu chứng thường gặp bao gồm đau lưng dưới, đau lan xuống chân và khó duy trì tư thế thẳng đứng. Nếu tình trạng đau kéo dài, bạn nên đến khám bác sĩ để được đánh giá lâm sàng. Có thể cần thực hiện các thủ thuật kiểm tra phù hợp như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác.
Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng thoái hóa cột sống không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Chèn ép dây thần kinh . Biến dạng cột sống. Thoát vị đĩa đệm. Ảnh hưởng đến thị lực: đây cũng là biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: mắt sưng đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, thị lực giảm mạnh, thậm chí là mù.
Để dự phòng các bệnh lý xương khớp sau tuổi 40, phụ nữ hãy rèn luyện thói quen vận động, tập thể dục, thể thao. Hãy lựa chọn các bài tập phù hợp như đạp xe,đi bộ, tập các bài tập dưỡng sinh… Đây là cách hữu hiệu giúp chị em ngăn ngừa tình trạng đau xương khớp đến sớm.
Trong sinh hoạt thường ngày, chú ý tránh các động tác, tư thế sai như mang vác nặng đột ngột, hạn chế đi giày cao gót để giảm áp lực lên khớp.
Bên cạnh đó luôn nhớ duy trì một chế độ ăn phù hợp, bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất… Chú ý tới cân nặng, không để rơi vào tình trạng béo phì.
Và trên hết, đừng lười đi khám sức khoẻ định kỳ. Khi có bất cứ dấu hiệu đau nhức xương khớp bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để khám, không để đau nhiều mới đến bệnh viện có thể lúc đó mức độ bệnh đã diễn tiến nặng hơn.