Lâu nay phim Việt truyền hình rơi vào vòng luẩn quẩn: đầu tư thấp, chất lượng thấp, tỉ lệ xem thấp, doanh thu thấp. Để đầu tư cho giờ Phim Việt đặc sắc trên HTV7 sắp tới, nhà sản xuất phải rất liều lĩnh để tìm cơ hội
Phim Dâu bể mùa xưa mở màn khung giờ Phim Việt đặc sắc trên HTV7 – Ảnh: ĐPCC
Từ ngày 9-10, Đài truyền hình TP.HCM phối hợp Công ty SK Pictures ra mắt giờ Phim Việt đặc sắc vào lúc 19h30 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên HTV7.
Mục tiêu giờ phim Việt này là phản ánh chân thực đời sống, những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm và phù hợp với nhu cầu thưởng thức phim của khán giả TP.HCM và miền Nam.
Vòng luẩn quẩn chữ “thấp”
Việc một đơn vị hợp tác với nhà đài để sản xuất và lo nguồn thu tái sản xuất không phải là chuyện mới.
Giới thiệu phim Dâu bể mùa xưa
Cách đây 18 năm, HTV7 là đơn vị đầu tiên hợp tác với Lasta cho ra mắt Giờ vàng phim Việt vào lúc 21h từ thứ năm đến chủ nhật. Năm 2012, Giờ vàng đẩy lên vào lúc 20h và phát sóng mỗi ngày.
Đã có một thời khán giả say đắm với những bộ phim Việt giờ vàng, giúp HTV và các đơn vị hợp tác thu “vàng” với loạt quảng cáo trong giờ phim này.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là Giờ vàng phim Việt đã không giữ vững được phong độ trong khi màn ảnh nhỏ lại xuất hiện nhiều thể loại giải trí hấp dẫn khác như game show, truyền hình thực tế có format từ nước ngoài.
Chất lượng phim cứ trồi sụt, xem cũng được mà không xem cũng chẳng tiếc, nên phim rơi vào vòng luẩn quẩn: đầu tư thấp – chất lượng thấp – tỉ lệ người xem thấp – doanh thu thấp. Các đơn vị hợp tác khai thác Giờ vàng phim Việt dần rút lui trong lặng lẽ.
Trong hành trình xoay xở cải tiến, Giờ vàng phim Việt được đôn lên thành 19h30 và phát phim sitcom, phim ngắn với thời lượng mỗi tập chỉ 30 phút.
Đến tháng 3 năm nay, giờ phim 19h30 trở về thể loại quen thuộc là 45 phút mỗi tập. Cả ba phim là Lụa, Gieo nhân, Bống thời 4.0 đều do Hãng phim TFS, đơn vị của HTV sản xuất. Quảng cáo nhảy vào trong giờ phim này cũng không mấy khả quan.
Liều lĩnh hay cơ hội?
Để có thể vực dậy giờ phát sóng phim Việt 19h30 trên HTV7 nói riêng và cả phim Việt truyền hình nói chung, thị trường cần một cú hích phá vỡ vòng luẩn quẩn.
Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực, tài chính phải đủ lớn và thời gian đủ dài để nâng tầm chất lượng phim.
Việc SK Pictures quyết định đầu tư sản xuất phim và lo nguồn tái sản xuất trong vòng 5 năm được xem là một quyết định liều lĩnh.
Dâu bể mùa xưa, bộ phim về cuộc sống người miền Tây Nam Bộ xưa, mở màn giờ phim Việt mới.
Phim được thu tiếng trực tiếp, với sự tham gia của những diễn viên quen thuộc như Tuyết Thu, Thân Thúy Hà, Khương Thịnh, Huỳnh Đông…
Đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa cho biết đây là phim đầu tay của anh mà cũng mở đầu cho giờ phim nên anh cũng hơi áp lực.
“Tôi muốn kể câu chuyện xưa dưới góc nhìn của người trẻ bây giờ. Khán giả xem phim không thấy cũ kỹ mà vẫn thấy được đâu đó có hình bóng mình”, đạo diễn cho biết.
Sau bộ phim xưa sẽ là phim mang hơi thở hiện đại hơn: Dưới bóng bình yên – khai thác cuộc sống những người vô gia cư trong thành phố.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Văn Công Viễn bảo mấy tháng nay anh và cả ê kíp dồn sức làm phim Dưới bóng bình yên, cố gắng tạo nên bộ phim đề tài dân sinh gần gũi.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là đầu tư vào nội dung kịch bản. Phim truyền hình muốn khán giả xem phải bắt được xu hướng xã hội bây giờ. Chúng ta phải mạnh dạn bỏ hết kịch bản phim lùi xùi đi, nâng chất lượng công nghệ sản xuất phim lên thì mới có thể kéo khán giả lại được” – Văn Công Viễn nói.
Cảnh quay phim Dưới bóng bình yên trong một xóm nghèo – Ảnh: ĐPCC
Thông tin có một đơn vị sản xuất đứng ra lo từ A đến Z cho giờ phim Việt trên HTV khiến giới làm phim râm ran vui mừng lẫn chút hoài nghi.
Đại diện công ty này cho biết: “HTV với thương hiệu truyền thống phát triển gần 50 năm qua, là kênh lựa chọn đầu tiên của rất nhiều khán giả không chỉ tại TP.HCM mà còn các tỉnh lân cận.
Khung giờ Phim Việt đặc sắc vào lúc 19h30 hiện có tổng tỉ lệ người xem cao nhất tại tất cả các thị trường. Riêng tại TP.HCM có khoảng 35% dân số theo dõi tivi vào khung giờ này”.
Ban đầu Phim Việt đặc sắc phát sóng 3 tập mỗi tuần. Đến năm 2024, dự kiến khung giờ này sẽ được nâng lên phát sóng 5 tập mỗi tuần.
Với số lượng phủ sóng suốt các ngày trong tuần, công ty SK Pictures tin rằng khung giờ này sẽ là một điểm hẹn hằng ngày cho nhiều tầng lớp khán giả. Ngoài ra khán giả có thể xem lại trên các nền tảng mạng khác nhau.
Cần trẻ hóa khán giả phim truyền hình
“Tôi tin phim Việt vẫn có khán giả tốt, nhưng độ tuổi của người xem phim truyền hình hiện nay lớn quá, trên 40 tuổi. Chúng ta phải kéo độ tuổi khán giả xuống bằng cách làm phim theo phong cách trẻ trung và hợp lứa tuổi.
Những bộ phim vui vẻ, mang tính nhân văn cần được chú ý hơn. Ở ngoài xã hội, cuộc sống đã ngột ngạt, căng thẳng, về nhà mở tivi khán giả muốn thư giãn, có chuyện hấp dẫn để xem”, đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa nói.
Phạm Tuấn