NGUY CƠ THỪA CÂN, BÉO PHÌ DO SỬ DỤNG ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG

Theo thống kê, tỉ lệ đồ uống có đường tại Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua, từ đó gánh nặng về sức khỏe cũng ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường.

Trong đó, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường sẽ gây nguy cơ thừa cân, béo phì. Và thực tế, tỉ lệ thừa cân và béo phì đang tăng nhanh, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Mỗi ngày tiêu thụ 1 lon nước ngọt, chàng trai này đã tăng cân rất nhanh. Khi số cân nặng đạt 109kg cũng là lúc anh cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Kết quả không chỉ bị béo phì, anh còn bị gan nhiễm mỡ độ 2 và đường máu ở ngưỡng cảnh báo.

Anh N.T.T. – TP. Hà Nội

“Cũng có nhiều có lúc mỗi ngày 1 lon, em cũng hơi căng thẳng, không suy nghĩ, không muốn suy nghĩ vấn đề đấy. Cũng biết nó không tốt. Đầu óc mình cũng không suy nghĩ được vấn đề đấy.”

Liên tục tiếp nhận các ca béo phì, rối loạn chuyển hóa, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo đái tháo đường tuýp 2 đang ngày càng trẻ hóa.

Bác sĩ Vũ Quỳnh Trang – Khoa Dinh dưỡng lâm sàng – Tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

“Hầu như bệnh nhân đến thì thể trạng bệnh nhân cũng khá là thừa cân béo phì. Thứ hai khi bệnh nhân lạm dụng như thế thì bệnh nhân sẽ có những cơn thèm, và mong muốn rất là khó thay đổi việc sử dụng đồ có đường.”

Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân béo phì đang tăng lên rất nhanh ở trẻ em. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%. Con số này ở người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%. Trong đó, nguyên nhân là sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.

PGS – TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

“Cứ uống 1 lon nước ngọt mỗi ngày, thì sau 1,5 năm thì quần thể đó sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân béo phì, việc ảnh hưởng trực tiếp từ đồ uống có đường, gây khẩu phần đường chúng tăng lên, thừa cân béo phì.”

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, để góp phần xây dựng một Việt Nam an toàn và khỏe mạnh, một biện pháp y tế cần thực hiện trong thời gian tới là cần bắt đầu các biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

TS Angela Pratt – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

ĐỌC DỊCH: “Điều chúng tôi khuyến nghị để giải quyết vấn đề này, trước hết là thuế đối với những sản phẩm đồ uống có đường. Việc áp thuế vào những sản phẩm này sẽ đặt ra cái mà chúng tôi gọi là tín hiệu giá (tức chi phí cao hơn), và tín hiệu giá sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên khoảng 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%.”

Ngoài áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, các chuyên gia cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.

Phạm Tuấn