Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021

Mức lương tối thiểu vùng 2021 vẫn giữ nguyên như năm 2020; dừng phát hành thẻ ATM thay bằng thẻ chip; Bỏ quy định cấm ca sĩ hát “nhép”; Lao động nữ làm trọn ngày đèn đỏ có thể được hưởng thêm tiền từ 1/2/2021;…là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động
Mức lương tối thiểu vùng 2021 vẫn giữ nguyên như năm 2020

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1/2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Hướng dẫn về việc chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô

Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ là trường hợp:

– Người phạm tội đã tự nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ.

– Sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc nộp lại ít nhất ¾ tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực từ 15/2/2021.

Ngân hàng dừng phát hành thẻ ATM thay bằng thẻ chip 

Tại Thông tư 22/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ 16/2/2021 có quy định. Từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020 như quy định cũ.

Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.

Phí thẩm định cấp phép kinh doanh karaoke

Từ 25/2/2021, Thông tư 01/2021/TT-BTC có hiệu lực sẽ thay đổi phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke.

Theo đó, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke quy định như sau:

– Tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke tùy số phòng từ 1 – 6 phòng trở lên mà có mức thu từ 4 – 12 triệu đồng/giấy.

Trường hợp tăng thêm phòng là 2 triệu đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 12 đồng/giấy phép/lần thẩm định.

– Tại khu vực khác, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke tùy số phòng từ 1 – 6 phòng mà có mức thu từ 2 – 6 triệu đồng/giấy.

Trường hợp tăng thêm phòng là 1 triệu đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 6 triệu đồng/giấy phép/lần thẩm định.

Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động  nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm: Người lao động nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên; Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021.

Bỏ quy định cấm ca sĩ hát “nhép”

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể, Điều 3 Nghị định 144/2020 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định một số nội dung khác như: Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước; Quán karaoke được sử dụng bài hát trước 1975 chưa phổ biến…

Nghị định có hiệu lực từ 1/2/2021.

Xây dựng tạm được cấp quyền sở hữu nhà ở

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.

Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 148/2020, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, so với quy định cũ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014, Nghị định mới đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).

Ngoài ra, Nghị định này còn một số nội dung nổi bật khác như: Được làm thủ tục cấp Sổ đỏ nhanh, tại nhà; Thêm cơ quan được quyền nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai…

Lao động nữ làm trọn ngày đèn đỏ có thể được hưởng thêm tiền từ 1/2/2021

Khoản 3 Điều 80 quy định:

– Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

– Trường hợp lao động nữ làm trọn ngày đèn đỏ (không nghỉ 30 phút theo quy định) thì ngoài việc được hưởng nguyên lương ngày đó sẽ được nhận thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ với 2 điều kiện:

+ Lao động nữ chủ động không nghỉ.

+ Người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm.

Lưu ý: Nếu lao động nữ muốn làm trọn ngày nhưng người sử dụng lao động không đồng ý thì người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả thêm tiền lương.