Những loại bệnh dễ mắc vào mùa mưa

0
296
Sau các đợt mưa, bão môi trường vệ sinh thường không đảm bảo, các loại bệnh tật, bệnh truyền nhiễm phát sinh mạnh tác động xấu lên sức khỏe con người.
Cảm cúm và các bệnh hô hấp
Thời tiết mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho… Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng.
Empty
Ảnh minh họa
Cảm cúm rất dễ dàng lây lan cho người khác hơn là cảm lạnh. Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị do virus gây ra mà thường được chỉ định các loại thuốc nhằm điều trị triệu chứng. Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.
Với người lớn, khi đi ra ngoài nếu bị dính nước mưa cũng rất dễ bị cảm cúm, người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột, tăng nhanh chóng trong khi cảm lạnh thường tiến triển chậm và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.
Các bệnh về da liễu
Empty
Ảnh minh họa
Mùa mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.
Empty
Ảnh minh họa
Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong mùa mưa lũ.
Bệnh sốt xuất huyết
Những cơn mưa đầu mùa sắp tới sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và bùng phát dịch bệnh. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Ảnh minh họa
Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới mũi xương ức).
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên bệnh sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Ngoài ra, đối với các bé, cần lưu ý việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Đau xương khớp, đau cơ
Vào mùa mưa những người có tiền sử bị bệnh đau xương khớp, đau cơ thường hay bị đau. Lý do là vì thời tiết mưa sẽ lạnh khiến các mạch máu ngoại vi làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong cơ, khớp,…
Nhiều người còn bị sưng, khó vận động nữa. Tốt nhất để phòng bệnh thì bạn nên tập luyện thể thao hàng ngày. Ngoài ra nên có một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin C, E, canxi và uống nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp.
Phòng bệnh hô hấp hiệu quả
Khi phải thường xuyên dịch chuyển hoặc khi thay đổi thời tiết chuyển mùa mưa lũ, cần chú ý một số điều sau để phòng và điều trị bệnh hô hấp:
– Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân.
– Tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch.
– Tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya. Ăn uống và thể dục điều độ.
– Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Không nên hút thuốc lá, tránh uống nước lạnh, có đá. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước hoa quả;
– Tiêm ngừa cúm vào đầu mùa lạnh, tiêm ngừa phế cầu cho đối tượng có nguy cơ giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể, để phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và nếu bị, thì sẽ mắc nhẹ hơn, thời gian nằm viện ít hơn.
– Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để diệt vi khuẩn có thể gây bệnh và làm sạch khoang mũi họng. Rửa tay bằng xà bông là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.
Thanh Vân/TH