Ớt Aji Charapita: Loại gia vị đắt nhất thế giới

0
162

Trên thế giới, loại ớt này có thể bán với giá hơn 500 triệu đồng/kg nhưng ở nước ta, có người đem tặng cả cân cho những ai có nhu cầu trồng.

Loại ớt Aji Charapita được mệnh danh là gia vị đắt nhất thế giới và ít được trồng đại trà nên càng trở nên quý, hiếm. Nông sản này được nhiều nhà hàng cao cấp và giới nhà giàu ở một vài nơi trên thế giới săn đón.

Tại một số quốc gia, giá của loại ớt này được bán cho các nhà hàng cao cấp tới 25.000 USD (khoảng 560 triệu đồng) một kg. Thậm chí, có thời điểm giá bán ớt Aji Charapita lên tới 35.000 USD (hơn 800 triệu đồng).

Kích thước của giống ớt có nguồn gốc từ phía bắc Peru này chỉ to ngang hạt đậu. Loại ớt này có thể dùng để ăn sống hoặc được giã nhỏ thành dạng bột để làm gia vị cho món ăn. Khi ăn sống, ớt Aji Charapita có vị hoa quả tươi ngon giúp món salad hoặc các loại sốt có hương vị mới lạ hơn hẳn

Bất ngờ loại ớt đắt nhất thế giới giá nửa tỷ một kg được người Việt đem tặng miễn phí - 1

Loại ớt đắt nhất thế giới được đem tặng ở nước ta

Để sở hữu những quả ớt này, người mua tìm khá khó khăn. Vì loại này không được trồng phổ biến trên thế giới nên mọi người chủ yếu đặt mua hạt giống về tự trồng. Lý do là ớt Aji Charapita rất khó tìm nguồn ở bên ngoài Peru trừ khi mua hạt giống trực tuyến và tự trồng.

Ở Việt Nam, ông Cường, ở Đăk Nông đã nhập khẩu giống ớt Aji Charapita từ châu Âu về trồng thành công tại khu vườn của mình. Ông đã nhân giống thành công và đã bán được những quả ớt đầu tiên ra thị trường. Giá bán chỉ 10 triệu đồng/kg với loại tươi, còn hàng khô sẽ có giá 50 triệu đồng/kg.

Giá của loại ớt này khi bán ở nước ta đã thấp hơn rất nhiều so thế giới. Nhưng nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên hơn khi thấy loại ớt đắt nhất thế giới này lại có người đăng công khai trên mạng xã hội để tặng cho những ai có nhu cầu.

Bất ngờ loại ớt đắt nhất thế giới giá nửa tỷ một kg được người Việt đem tặng miễn phí - 3

Sau bài đăng lên mạng, chị Đỗ Mỹ Dung (Rạch Giá, Kiên Giang) – người đem tặng ớt Aji Charapita, đã nhận được hàng nghìn tin nhắn và bình luận với mong muốn nhận được những quả ớt này miễn phí.

“Tính đến bây giờ, tôi đã nhận được hơn 1000 bạn xin quả ớt này mà tôi mới tặng được khoảng 150 bạn mà thôi. Số lượng người còn lại, tôi sẽ gửi đi dần khi có ớt chín, dự là sẽ khoảng 1,5 tháng mới gửi tặng hết các bạn đã xin”, chị cười nói.

Chị cho biết thêm loại ớt này chỉ một tuần là có thể thu hoạch được, tính từ thời điểm có quả nhỏ. Trong vườn, chị có khoảng chục cây nên ngày nào chị cũng thu được khoảng vài chục trái ớt chín.

Bất ngờ loại ớt đắt nhất thế giới giá nửa tỷ một kg được người Việt đem tặng miễn phí - 5

Khi nói về lý do đem tặng mà không bán loại ớt có giá đắt nhất thế giới này, chị Dung chỉ tay vào những cây ớt trong vườn nhà mình và nói: “Cây ớt này là quà tặng của một người bạn thân của tôi. Anh ấy là một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Anh đã tặng cho tôi một ít để ăn và cảm nhận vị của nó. Đồng thời, anh ấy nói cho tôi biết giá trị của chúng”.

Sau khi ăn thử, chị Dung thấy rất thích vị của loại ớt này. “Trái nhỏ xíu nhưng ớt rất cay và giòn, có nước và thơm lắm. Nhưng vị cay cũng tan nhanh, không đọng lại lâu như ớt nước ta. Nói chung, vị của nó rất đã, ăn một lần nhớ mãi”, chị nhận định.

Sẵn có vườn, chị đã bảo người nhà đem gieo hạt, không ngờ chúng lại mọc thành cây. Và gần đây, chúng mới ra quả nên chị muốn tặng lại cho mọi người.

“Tôi muốn mọi người cùng thưởng thức và biết đến vị của loại ớt đắt đỏ nhất thế giới này. Thâm tâm cũng muốn biết đâu từ loại ớt tôi chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhân giống và phát triển kinh tế”, chị cho hay

Theo tìm hiểu của phóng viên, ớt Aji Charapita có nguồn gốc từ Peru, đa phần mọc hoang dại. Chúng là loại cây trung hạn, có độ cao 40 – 55 cm, tán rộng 35 – 45 cm, sinh trưởng tốt khi ở nhiệt độ 16 – 45 độ C, cho thu hoạch quả sau 90 ngày. Mỗi cây có hàng trăm quả nhỏ tròn, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng phổ biến hơn cả.

Độ cay của loại ớt này lên tới 30.000 đến 50.000 độ cay Scolville, thậm chí còn cao gấp 4-20 lần ớt jalapeño nổi tiếng. Theo mô tả, độ cay này thậm chí có thể “làm thủng” lưỡi, được khuyến cáo không nên ăn tươi.

 Anh Thư