Bàng đại hải thu hái vào khoảng tháng 4 – 6, khi quả nứt ra thì lấy hạt già, phơi khô, loại bỏ tạp chất, rây bỏ bùn cát là được.
Về thành phần hóa học, bàng đại hải chứa chất béo, tinh bột, chất nhày, chất đắng, tanin và đường (galactoza, pentoza và arabinoza). Theo Đông y, bàng đại hải vị ngọt, nhạt, tính mát; vào kinh Phế, Đại tràng. Tác dụng thanh hoả (hạ nóng sốt), nhuận phổi, lợi hầu, giải độc. Chữa ho khan không có đờm, nóng trong xương, nôn ra máu, chảy máu cam, dịch đau mắt đỏ, cảm nóng bốc lên gây nhức răng, mụn trĩ chảy dò, các chứng mụn nhọt do hoả ở tam tiêu.
Cách dùng và liều lượng: Ngày dùng 2 – 5 hạt, ngâm vào nước sôi mà uống hoặc sắc uống. Sau đây là một số bài thuốc có bàng đại hải.
Trị amydan cấp: Bàng đại hải 3 – 5 quả, bản lam căn 5g, mạch môn 5g, cam thảo 3g. Hãm hoặc sắc nước uống. Thời gian điều trị 2 – 3 ngày.
Trị ho khan không đờm, khản tiếng, viêm đau lợi, cốt chưng nội nhiệt (nóng hầm trong xương), chảy máu cam: Bàng đại hải 3 hạt, mật ong 15nml. Hãm với nước sôi, uống thay nước trà.
Bàng đại hải tác dụng thanh hoả (hạ nóng sốt), nhuận phổi, lợi hầu, giải độc.
Chảy máu cam trẻ nhỏ: Bàng đại hải 3 – 5 hạt, cam thảo 2g. Hãm hay sắc nước uống.
Viêm họng, viêm amydan cấp tính: Bàng đại hải 5g, bồ công anh 5g, kim ngân hoa 15g, bạc hà 3g, cam thảo 3g. Sắc uống.
Trị táo bón do tích nhiệt: Bàng đại hải 3 – 5 quả. Hãm hay sắc, hoặc phối hợp với dược liệu nhuận tràng khác (chi ma, thảo quyết minh …).
Lưu ý: Không dùng bàng đại hải kéo dài.
Thi Trần-t/h