Yongchul Kwon là bác sĩ, chuyên gia Y học tiến hóa tại Hàn Quốc. Ông từng theo học ngành Y tại Hàn Quốc và Canada.
Cuốn sách Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại của ông không chỉ đem tới cho độc giả những thông tin hữu ích về cơ thể (từ thể trạng bên ngoài, trao đổi chất bên trong và bộ gen cấu thành mọi thứ), mà còn phân tích cách sống của con người chúng ta từ thời nguyên thủy đến nay.
Từ đó, cuốn sách đưa ra những thay đổi quan trọng trong chế độ ăn, thói quen sinh hoạt sao cho cơ thể phù hợp đời sống hiện đại, cũng như đem lại lợi ích sức khỏe tối đa.
Sách Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại. Nguồn: Thái Hà Books.
Theo Yongchul Kwon, sức khỏe của chúng ta được gen di truyền (nhận được từ bố mẹ đã định sẵn) quyết định. Vì thế, chúng ta phải sử dụng tuyệt đối yếu tố đó để quản lý tối đa sức khỏe của mình.
Tác giả cũng cho rằng “công tắc gen” là yếu tố quan trọng chi phối tình trạng gen di truyền, tùy theo môi trường cụ thể.
Môi trường chính là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến gen vì con người sẽ có cơ chế thích nghi. Ví dụ như sau những giai đoạn chiến tranh, “công tắc gen” bằng cách nào đó đã tự động bật lên để duy trì nòi giống. Lúc này, tỷ lệ sinh bé gái sẽ nhiều hơn bé trai.
Theo tác giả, bất kỳ ai cũng có thể chăm sóc gen di truyền của chính mình bằng cách dùng tình yêu thương để bật hoặc tắt các gen đó. Cách đơn giản và dễ dàng nhất để thay đổi công tắc gen di truyền là suy nghĩ tích cực.
Tác giả cho biết dù đang phải đối mặt bất kỳ tình huống khó khăn nào, bạn cũng không cần phải quá lo lắng đến sự tồn vong của bản thân. Không phải chiến tranh mà chính suy nghĩ của chúng ta tác động đến trạng thái bật hoặc tắt của công tắc gen di truyền.
Chỉ đơn giản bằng cách thay đổi suy nghĩ, cảm giác vui vẻ, những câu nói lạc quan, làm hài lòng nhau sẽ tác động tốt đến gen di truyền. Cứ suy nghĩ tích cực lên, chúng ta sẽ làm cho cơ thể trở nên khỏe mạnh.
Để minh chứng cho những nhận định trên của mình, Yongchul Kwon đã dẫn nghiên cứu của tiến sĩ danh tiếng người Nhật Bản Kazou Mukarami trong tác phẩm ADN thành công, ADN thất bại.
Theo đó, Kazou Mukarami khẳng định hai người có cùng gen di truyền giống hệt nhau, nhưng tùy theo bật – tắt mà có sự khác nhau về bệnh tật. Vì thế, bạn hãy cười lên dù là nụ cười gượng gạo và hãy rèn luyện cho bản thân những suy nghĩ tích cực.
Bên cạnh đó, nhà khoa học này cũng phân tích, nghiên cứu về trạng thái gen di truyền trước và sau khi chúng ta rèn luyện suy nghĩ tích cực. Kết quả là có 10 loại gen bình thường ít hoạt động đã hoạt động tích cực hơn. Ngược lại có 5 loại gen đã bị chậm lại, hoạt động ít hơn.
Điều này chứng minh rõ ràng giả thuyết rằng thông qua sự luyện tập đơn giản mỗi ngày bằng suy nghĩ tích cực và luôn mỉm cười, chúng ta có thể điều khiển được công tắc gen di truyền.
Cũng trong nghiên cứu này, kết quả cho thấy những gen di truyền bị tắt tác động nhằm duy trì trạng thái căng thẳng. Đó là những gen làm tăng huyết áp, tăng đường trong máu, tiết ra chất cortisol (hormon chống stress). Ngược lại, những gen làm tái sinh tế bào, chữa lành lại được bật lên. Từ nghiên cứu trên, có thể khẳng định, suy nghĩ tích cực giúp chúng ta khỏe lên.
Minh Châu