Cà gai leo, hay còn gọi là cà gai dây, cà quýnh, cà lù, cà gai cườm… có tên khoa học là Solanum procumbens Lour hoặc Solanum hainanense. Cà gai leo là cây thuộc họ Cà (Solanaceae). Đây là loại cây nhỏ, với cành cây non tỏa rộng, phủ lông hình sao ở mặt dưới và có nhiều gai ở mặt trên.
1. Cây cà gai leo
Hoa của cà gai leo có màu trắng, nhụy vàng. Mỗi bông hoa của loại thảo dược này có từ 4 đến 6 cánh. Quả cà gai leo mọng bóng căng, hình tròn màu xanh lúc còn non, khi chín có màu đỏ, cuống quả có chiều dài khoảng 2cm. Hạt quả của cà gai leo có màu vàng, hình thận dẹt. Hoa của cây cà gai leo mọc từ tháng 4 tới tháng 5, còn quả mọc từ tháng 7 tới tháng 9.
Tại Việt Nam, cà gai leo mọc hoang khắp nơi từ những khu vực vùng núi thấp cho đến các trung du hay vùng đồng bằng ven biển. Trong đó, cây được tìm thấy phổ biến ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam và Thái Bình.
2. Cà gai leo có tác dụng gì?
2.1. Tác dụng của cà gai leo trong hỗ trợ điều trị bệnh về gan
Cà gai leo chữa bệnh gì? Tác dụng không thể bỏ qua khi nói đến cà gai leo chính là cà gai leo giúp phòng và trị bệnh gan. Các bài thuốc dân gian đã dùng rễ và thân của cây cà gai leo để chữa bệnh gan, gan yếu, mẩn ngứa. Không chỉ có vậy, cà gai leo còn được sử dụng để thanh lọc và giải độc cơ thể.
Y học hiện đại cũng chứng minh cà gai leo rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị các căn bệnh về gan. Theo các nghiên cứu, rễ của loại thảo dược này có chứa tinh bột và nhiều hoạt chất như ancaloit, glycoancaloit… Những chất này có khả năng bảo vệ tế bào gan rất tốt, kìm hãm sự phát triển của virus viêm gan, ngăn chặn quá trình xơ gan. Không những vậy, những hoạt chất này còn giúp hạn chế hủy hoại tế bào gan và hạ men gan nhanh.
Bài thuốc dành cho những người mắc bệnh gan từ cây cà gai leo như sau:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– 30g cà gai leo.
– 10g cây mật nhân.
– 30g cây xạ đen.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu trên, bạn đem rửa sạch rồi hãm với khoảng 1,5 lít nước và cho sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút là được. Cuối cùng, chắt nước uống trong ngày để hỗ trợ điều trị các bệnh về gan.
Hoặc bạn chỉ cần dùng 40g cà gai leo hãm nước sôi hoặc sắc uống cũng có tác dụng tương tự.
2.2. Cà gai leo có tác dụng ức chế một số loại ung thư
Theo các nghiên cứu y học, dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo có tác dụng chống oxy hóa rất tốt. Không những vậy, nó còn có tác dụng chống viêm làm giảm tổn thương do oxy hóa gây ra ở gan, bảo vệ gan.
Theo các kết quả nghiên cứu đã được công bố, dịch chiết toàn phần từ cây cà gai leo và Glycoalcaloid đều có tác dụng chống oxy hóa. Hơn nữa, dịch chiết này cũng được chứng minh có tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư do virus như tế bào ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF), tế bào ung thư cổ tử cung…. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế được gen gây ung thư do virus.
2.3. Cà gai leo tốt cho những người bị thấp khớp
Một trong những công dụng tuyệt vời không thể bỏ qua của cà gai leo là chống viêm, tốt cho những người mắc bệnh thấp khớp. Các nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh solamin A (bào chế từ rễ cà gai leo, rễ khúc khắc và rễ ngưu tất) và solamin B (bào chế từ thân lá cà gai leo và rễ ngưu tất) có tác dụng giảm đau, chống viêm rõ rệt trên lâm sàng.
Theo Đông y, solamin có tính bình, thích hợp với những người bệnh thấp khớp ở thể nhiệt.
Bài thuốc chữa phong thấp từ cà gai leo:
– Dùng các loại rễ thảo dược: cà gai leo, xấu hổ, thổ phục linh, cỏ xước, kê huyết đằng, cỏ tranh, mỗi loại 6g sắc lấy nước uống hàng ngày.
– Hoặc dùng rễ cà gai leo, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi loại 20g rồi sắc nước uống.
Áp dụng bài thuốc đúng cách đem lại hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.
3. Một số lưu ý khi sử dụng cà gai leo
Cà gai leo khi dùng làm dược liệu thường dùng rễ và cành lá. Để bảo quản được lâu, sau khi thu hoạch đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hay sấy khô. Hoặc có thể sử dụng dược liệu tươi để hỗ trợ điều trị bệnh.
Thông thường, chúng ta có thể sử dụng khoảng 16–20g cà gai leo ở dạng thuốc sắc uống một ngày. Tuy nhiên, liều dùng của cà gai leo khác nhau với từng bệnh cũng như thể trạng người bệnh. Vì thế, cách tốt nhất khi dùng thảo dược này cũng như các chiết xuất từ nó là tham khảo ý kiến của các bác sĩ để biết liều dùng thích hợp, đem lại hiệu quả chữa bệnh cao nhất.
Để tránh nhầm lẫn khi sử dụng làm thuốc, nên lưu ý cà gai leo có hai loại: cà gai leo hoa trắng, dây nhỏ là loại được dùng làm thuốc. Còn loại gai leo có hoa tím, dây lớn thì ít dùng.
Ngoài ra, cần lưu ý những người phụ nữ mang thai không dùng cà gai leo.
Trên đây là tổng hợp những công dụng của cà gai leo, trả lời thắc mắc cho vấn đề cà gai leo có tác dụng gì cũng như những lưu ý khi dùng loại thảo dược này.
Quan trọng, dù cà gai leo được biết đến là thảo dược quý, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe với những người mắc các bệnh về gan. Nhưng trước khi sử dụng, bạn nên hỏi ý kiến của thầy thuốc và bác sĩ để đẩy lùi bệnh tật cũng như tránh được những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Ngọc Điệp-t/h