Lấn bấn thế mà cũng cuối năm, bạn bè tôi đã bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch mùa xuân ở những nơi có phong cảnh đẹp, thậm chí là ra nước ngoài để tìm hiểu về những nền văn hóa khác, hoặc tìm một chốn thanh bình để nghỉ ngơi sau một năm lao động đầy mệt mỏi. Nhưng tôi lại chỉ muốn về với Mẹ.
ề với Mẹ, tôi được đi qua dòng sông Đáy, nghe tiếng gọi đò xao xác buổi chiều đông, được ngắm nhìn các bà các chị đi chợ tết về với lỉnh kỉnh những bó lá rong, bó lạt giang còn thơm mùi khói bếp… nghe tiếng các bà các chị rổn rang nói chuyện sắm tết ở bến sông, bọn trẻ con lon ton chạy ra đón mẹ đi chợ về líu tíu như lũ chim non.
Nhẩn nha, tôi đi ngang qua cánh đồng chiều hiu quạnh trơ gốc rạ, chỉ có những cây lá bánh khúc là đua nhau mọc chen chúc xen kẽ những cây nhọ nồi màu xám xịt. Tôi chợt thấy bóng Chị lúi húi đang hái những chiếc lá xanh bạc một cách cần mẫn, Chị vẫy tôi mừng rỡ “Chị biết chiều nay Dì về nên chị hái lá làm bánh khúc để tối Dì ăn”. Tôi ùa xuống ruộng, gót chân hồng hào của tôi dính đầy bùn đất, từng thớ đất như thấm đẫm vào hồn tôi dâng đầy yêu thương lên lồng ngực.
Đêm mùa đông cuối năm thường dài, nhưng đêm mùa đông ở quê lại dài hơn, dài vơ dài vẩn, dài lê thê lốc thốc, bởi trong đêm tối sương vẫn vô tình gieo nặng hạt, khói mây tan loãng vào đêm đặc quánh, khói bếp lảng bảng phủ đầy con ngõ nhỏ đủ làm rì rào những bụi tre, đâu đó vang lên tiếng con thạch sùng kêu tắc… tắc.. Ngồi bên bếp lửa hồng cùng mẹ, thế nào mẹ cũng vùi vào đống lửa vài ba củ khoai mật mới dỡ chiều nay, bên trên bếp lửa là những phên cá nướng mẹ đã hong khói mấy ngày nên vỏ cá đã khô vàng, mùi cá thơm đến độ con mèo mướp cứ một chốc lại gầm gào chảy nước miếng quanh mép.
Những đêm mùa đông rét buốt cuối năm như thế khiến tôi nhớ đến tết xưa, khi bà tôi còn sống, nhìn nước giếng khơi phủ một màu sương lạnh, bà thế nào cũng thở dài và bảo “lại một mùa rét hại nữa rồi”. Mùa đông xưa của tôi là mùa khói, khói bay nghi ngút quẩn quanh trong nhà, tay bà và tay ông nhăn nheo, khô ráp tạo thành những rãnh đỏ, vì ông bà ngồi sưởi bên bếp lửa quá nhiều. Đêm tôi rúc vào lòng bà, bà phủ hai cái chăn lên người tôi, nghe chừng chưa đủ ấm, Bà phủ thêm cái chiếu cói, tay bà lần lần trứng chấy trên đầu tôi và thủ thỉ chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Khi tôi sắp chìm vào giấc ngủ, thế nào bà sẽ ca vài câu “Trước bến chiều, trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm. ai thưong ai cảm, ai nhớ, ai trông…”.
Tiếng mẹ vọng từ trong buồng ra “Con vào soạn quần áo cũ trong tủ đi”. Mẹ vẫn có một thói quen, ngày cuối cùng của năm, mẹ thường soạn lại quần áo cũ và cất đi, những chiếc áo ngày xưa khi chúng tôi còn bé, tới những chiếc áo của thời học sinh bạc màu, những chiếc áo bông đen của ông của bà vẫn nguyên vẹn nằm yên dưới đáy tủ phảng phất thơm mùi của quá khứ. Tôi bỗng nôn nao nhớ đến những cái tết của ngày xưa, tết của Thạch Lam của anh em Sơn soạn những chiếc áo bông ấm áp.
Trong lúc soạn quần áo tay tôi thọc sâu vào đáy tủ, chợt chạm nhẹ vào thứ gì mát rượi, tôi cầm lên chiếc áo dài ngày xưa, chiếc áo dài của thời thiếu nữ, của năm tôi 16 tuổi. Tôi áp chiếc áo vào mặt hít hà, lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc khó tả, mùi con gái vẫn vương đây, kí ức xưa chợt ùa về, mắt tôi dưng dưng. “Đi ngủ sớm thôi con, sáng mai còn đi tảo mộ” giọng của mẹ như đâu đó xa lắm vọng lại, tôi tần ngần treo chiếc áo dài vào tủ.
Sáng 30 tết, khi cái rét ngọt ngào phủ kín con dốc nơi đầu ngõ, cả nhà tôi sửa soạn đi tảo mộ cuối năm. Tôi mặc chiếc áo dài của thời thiếu nữ, đi trong bạt ngàn sương trắng và gió sớm, trong khói lan tỏa của bãi đồi nhà ai đang cháy. Tôi như thấy mình đang đi trong tết xưa, mùa đông xưa, mùa của khói
Chiều 30 tết, nhà tôi sẽ sực nức hương thơm của chậu lá mùi già mẹ đun, mẹ gọi tôi đi tắm rửa để “tẩy uế cuối năm”. Sáng mồng 1 tết mẹ sẽ đun một nồi lá mùi già, cho thêm chút quế để chúng tôi rửa mặt, mẹ bảo “Rửa mặt đầu năm để xua đuổi quỷ thần”. Mùi thơm của lá mùi già được đun với quế chính là mùi tết đặc trưng của mẹ, để chúng tôi dù có trưởng thành đi muôn nơi ngửi biết bao mùi hương thơm khác thì mùi tết và ngôi nhà của mẹ luôn là nơi để tâm hồn chúng tôi hướng về và nương tựa.
Những ngày thường nhật, tôi có thể hòa mình trong những ồn ào của cuộc sống, tôi đi rong ruổi các miền đất để tìm lại sự cân bằng, tôi không có thời gian dành cho nỗi buồn hay sự cô đơn kéo dài. Nhưng cứ đến tết, tôi nhất định phải trở về nơi mình thuộc về, để được tắm hồn mình trong dòng sông thơ ấu, được đi trên chuyến đò chiều chở nặng trĩu những hoài niệm xưa cũ, được hít hà mùi khói bên bếp lửa hồng. Những lúc ấy tôi sẽ không còn tính toán về một năm được – mất những gì, bởi một năm qua tôi chỉ cần đã sống hết mình với những nỗ lực không ngừng nghỉ, để cuối năm tôi được trở về bên mẹ, bên gia đình, được cảm nhận sự yêu thương thì những được – mất ngoài kia cũng trở nên quá đỗi bình thường.
Tết tôi sẽ về với mẹ, vì mẹ có còn bao nhiêu thời gian nữa để chờ tôi trở về.
Theo baoxaydung.vn