Thương hiệu của người giàu nhất thế giới đánh bại đại dịch

Đại dịch đã ảnh hưởng dữ dội trên toàn thế giới. Các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhiều thị trường quan trọng ở châu Âu như Anh, Pháp và Đức bị khóa một phần.
Ở nhiều nơi trên thế giới, đại dịch tác động khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa, thậm chí là rơi vào tình trạng phá sản.
Doanh thu của LVMH
Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của LVMH – tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và lợi nhuận càng đáng chú ý hơn.
LVMH báo cáo doanh thu 34 tỷ USD, tăng 56% so với nửa đầu năm 2020 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt mức kỷ lục 6,3 tỷ USD, cao hơn 10 lần so với nửa đầu năm 2020 và cao hơn 62% so với nửa đầu năm 2019.

Hiệu suất nửa đầu năm 2021 của LVMH vẫn tăng mạnh và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Periskopi.

Bernard Arnault – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tập đoàn – nhận xét: “LVMH đã có nửa năm tuyệt vời và đang gặt hái những lợi ích khi tiếp tục đổi mới và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh”.
Những kết quả này phản ánh sự kết hợp giữa tầm nhìn vô song, tài năng quản lý, chiến lược vượt trội và khả năng thực hiện tốt của LVMH.
Ví dụ ấn tượng là nhóm kinh doanh Hàng da & Thời trang, bao gồm các thương hiệu mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, Dior và Fendi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu là 81% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, các thương hiệu như Moët & Chandon, Veuve Clicquot, Dom Pérignon và Hennessy đạt mức tăng trưởng doanh thu kỷ lục 44% trong nửa đầu năm nay so với năm 2020.

LVMH báo cáo doanh thu 34 tỷ USD, tăng 56% so với nửa đầu năm 2020. Ảnh: Plaintips.

Đổi mới của LVMH
Về mặt đổi mới, LVMH quyết định mở rộng danh mục sản phẩm như giày thể thao, ba lô và quần tất. Những điểm mới có thể nhìn thấy rõ nhất là mặt hàng giày thể thao. Mẫu giày Louis Vuitton Charlie mới của hãng được làm bằng vật liệu tái chế để bảo vệ môi trường.

Giày thể thao Charlie unisex của Louis Vuitton được làm từ 90% vật liệu tái chế và có nguồn gốc sinh học. Ảnh: Hypebae.

Biểu tượng Louis Vuitton Bandoulìere đã được mô phỏng lại với nhiều màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Chiếc loa Louis Vuitton Light Up kết hợp dây đeo trị giá 410 USD vừa ra mắt đánh dấu sự gia nhập của thương hiệu vào dòng loa sang trọng.
Trong khi đó, nước hoa của Louis Vuitton được xếp hạng trong số những loại nước hoa bán chạy nhất thế giới. Đây chỉ là một số ví dụ về cách tập đoàn thời trang mở rộng phạm vi sản xuất để tiếp cận nhiều nhóm mục tiêu mới.

Lấy cảm hứng từ chiếc túi xách Toupie mang tính biểu tượng của Louis Vuitton, loa Horizon Light Up mới có mức giá khoảng 3.000 USD. Ảnh: Highsnobiety.

Đồng thời, tập đoàn thời trang xa xỉ cũng biết cách đánh vào tâm lý người mua hàng. Họ chỉ ra mắt sản phẩm có phiên bản giới hạn, thường định giá theo cách phi tuyến tính, phản ánh mong muốn của khách hàng về sự khác biệt và sở hữu những sản phẩm độc đáo. Thậm chí, nhiều sản phẩm có thể tăng giá trị do sự khan hiếm của chúng. Từ đó, khả năng kỹ thuật số của thương hiệu cũng được mở rộng đáng kể cả phân phối và tiếp thị.
Những điều trên dẫn đến công thức độc đáo: tích cực thâm nhập các danh mục mới, tạo hứng thú cho khách hàng với sự sáng tạo và các phiên bản giới hạn hiếm có, đầu tư đáng kể vào tiếp thị kỹ thuật số, sử dụng những người có ảnh hưởng mạnh mẽ để truyền thông cho thương hiệu. Trong khi hầu hết thương hiệu xa xỉ khác áp dụng cách thức an toàn, LVMH đã dám “chơi” để giành chiến thắng.
Những động thái này giúp LVMH tăng trưởng hơn nữa khi đại dịch kết thúc. Thị phần tăng trong thời kỳ khủng hoảng là yếu tố dự báo cho lợi nhuận trong tương lai của họ.

Bernard Arnault – chủ tịch và giám đốc điều hành của LVMH – là người giàu nhất thế giới. Ảnh: Forbes.

Hoàng Anh