Truyện ngắn: Ánh sáng trong đêm

Thấp thoáng trong làn mưa trắng giăng mờ khắp dãy đồi lúp xúp cây bụi là căn nhà nhỏ của ba bố con anh Quảng. Vợ anh đã mất từ dạo sinh thằng Toàn được hai tháng do bị cảm, để lại nỗi côi cút cảnh gà trống nuôi con đã mười mấy năm nay. 

Lay lắt, rau cháo bố con nuôi nhau dài đằng đẵng như vậy đến giờ con Nụ cũng đã bước vào tuổi mười bảy đang đi làm phụ vữa cho bác ruột nên cũng đỡ phần nào. 

Minh họa: Đinh Hương

Còn bố, ngoài việc nuôi một con lợn, hơn chục con gà, tất bật chăm sóc đồi chè thì phải để mắt tới thằng con thứ hai. Thằng Toàn năm nay đã mười lăm tuổi, bị khoèo cả hai chân từ lúc lọt lòng. Nó chưa kịp vơi nỗi buồn không có mẹ thì đã phải chịu đựng sự khiếm khuyết của cơ thể nên đôi mắt lúc nào cũng thấy mênh mang buồn thật buồn. 

Anh Quảng rất thương hai đứa con côi cút của mình nên bao năm nay anh quyết không đi bước nữa dù thi thoảng có người trong bản đánh tiếng làm mối. Nhiều lần, anh tâm sự với chú công an phụ trách địa bàn tên Tâm rằng: “Tôi nghĩ mãi rồi chú ạ. Tôi không lấy vợ nữa đâu, chẳng phải là tôi không muốn mà là tôi thương thằng Toàn, nó tật nguyền thế, liệu rằng người ta có…”

Độ tuần nay, trời mưa tầm tã, dai dẳng, đường từ nhà anh Quảng xuống dưới chân đồi chỗ đoạn ngã ba trơn trượt, lầy lội, đi ra đến đấy đã khó nói gì ra tận UBND xã. Anh Quảng đứng ngồi không yên. Cái chân của anh hôm trước ra đồi chè thì dẫm phải gai rừng, sưng to như bắp chuối và có hiện tượng chảy mủ. Anh nhẩm ngày, nhìn trời, nhớ lời thông báo của cán bộ Tâm hôm lên nhà anh là:

– Đến ngày 10 tháng này, mấy bố con ra ủy ban xã để làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử nhé!

Lúc đấy anh Quảng chưa hiểu, cứ nói:

– Tôi có Chứng minh nhân dân rồi. Tôi có phạm tội gì đâu mà làm căn cước, căn phạm hả chú?

Cán bộ Tâm từ tốn giảng cho anh hiểu:

– Bộ Công an được Đảng, Nhà nước giao cho làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử cho tất cả người dân Việt Nam từ đủ mười bốn tuổi trở lên.

– Thế thằng Toàn có được làm không chú? Nó năm nay mười lăm tuổi rồi.

– Vâng! Được ạ! Anh cho cả hai cháu ra làm luôn. Ba bố con nhớ chọn cái áo nào đẹp đẹp mà mặc để chụp ảnh nhé!

Anh Quảng nhớ rất rõ những lời cán bộ Tâm nói, nào là có Căn cước công dân gắn chíp điện tử gì đó sẽ giảm được nhiều loại giấy tờ nếu như bố con anh đi làm thủ tục vay vốn ngân hàng, đi khám bệnh và nhiều lợi ích nữa. Cứ nghĩ đến lời cán bộ Tâm nói là anh Quảng lại thấy hồi hộp, mong đến ngày được ra ủy ban xã.

Anh Quảng nhớ rất rõ những lời cán bộ Tâm nói, nào là có Căn cước công dân gắn chíp điện tử gì đó sẽ giảm được nhiều loại giấy tờ nếu như bố con anh đi làm thủ tục vay vốn ngân hàng, đi khám bệnh và nhiều lợi ích nữa. 

Cứ nghĩ đến lời cán bộ Tâm nói là anh Quảng lại thấy hồi hộp, mong đến ngày được ra ủy ban xã. Anh Quảng đã dự tính cho thằng Toàn mặc chiếc áo màu xanh nước biển dài tay, có cổ bẻ mà anh vẫn để dành chưa cho nó mặc lần nào. 

Chiếc áo đó là do năm ngoái cán bộ Tâm có đưa một đoàn các cô, chú công an ở tỉnh lên thăm nhà, tặng mấy túi quà gồm quần, áo, chăn, gạo, mỳ tôm, nước mắm và ba hộp bánh vừa to vừa đẹp mà ba bố con chưa nhìn thấy bao giờ.

Qua trưa thì mưa tạnh, nhưng bầu trời vẫn một màu u ám, cả quả đồi vẫn im lìm, tẻ nhạt, cây cối vẫn như mụ mị sau giấc ngủ dài. Anh Quảng sai con Nụ cũng đang ở nhà vì mưa:

– Nụ à, thay cái áo rồi đạp xe ra UBND xã làm Căn cước gì gì mà hôm chú Tâm nhắc bố con mình đấy.

– Vâng! Là làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử bố ạ. Nhưng con sợ tối về muộn thì không nấu được cơm cho bố và Toàn.

– Con cứ đi đi! Cán bộ hẹn ngày rồi. Không thì sau này không có đâu. Nhà còn cơm nguội, bố với thằng Toàn tự lo được.

Nụ vội vàng thay quần áo, nhảy lên chiếc xe đạp cũ rích, không gác – đờ – bu, nước sơn bong tróc nham nhở, má phanh chả ra hồn đến nỗi cứ đạp được vài vòng thì xe đạp phát ra tiếng rin rít, ken két. Cứ đi một đoạn, Nụ lại xuống dắt bộ qua đoạn lầy. Cái dáng người nhỏ bé, gầy gò của nó cứ hì hụi mãi như vậy cũng vượt qua được đoạn đường gập ghềnh, khấp khểnh dài chừng năm km. Từ đây đến Ủy ban còn tầm bảy km nữa nhưng đường bằng phẳng, khô ráo, gió thổi mát rượi nên con bé cũng thấy bàn đạp nhẹ tênh.

Đến Ủy ban thì trời cũng ngả về chiều, Nụ thấy vẫn còn nhiều người dân đang đợi đến lượt chụp ảnh. Có cụ bà đã già lắm, lưng còng gập xuống đất được con giai đưa đến, khi đến lượt chụp ảnh thì bà cười rất tươi, lại còn tấm tắc:

– Từ bé đến giờ, tôi chửa nhìn thấy máy ảnh nào hiện đại như thế này, chửa thấy cái đèn nào sáng như vậy. Chậc chậc! Hiện đại quá! Các chú rửa cho cụ một tấm to bằng quyển vở học sinh để cụ treo nhá!

Đợi một lúc thì Nụ gặp chú Tâm, chú hỏi:

– Nụ à, thế bố và Toàn đâu?

– Chỉ có một mình cháu thôi, bố cháu bị đau chân không đi được, mà một mình cháu thì không đèo được thằng Toàn ạ.

– Thế vào đây đợi một lúc các chú làm cho.

Đến lượt Nụ chụp ảnh, lấy dấu vân tay xong và cầm tờ giấy hẹn thì đã hơn bảy giờ tối. Con bé bắt đầu thấy sợ khi nghĩ đến quãng đường về nhà. Mặc dù nó đã quen với bóng tối, nhưng đi đường xa nó rất sợ. Đúng lúc đó chú Tâm ra bảo Nụ:

– Chú nấu mỳ rồi, cháu sang phòng bên ăn rồi tý nữa chú với chú Hùng đưa cháu về bằng xe máy. Còn xe đạp cứ để đây, lúc nào chú đem về cho.

Nụ đành nghe theo lời chú Tâm vì nó cũng chả biết phải làm sao bây giờ.

Khi chỉ còn hai người dân đang làm thủ tục thì chú Tâm và chú Hùng xin phép chỉ huy đưa bé Nụ về và đón hai bố con anh Quảng ra xã làm Căn cước luôn. Gió đêm sau cơn mưa mát lạnh, gió thổi dịu dàng, mơm man trên mặt đất ẩm ướt, còn bầu trời đêm thì sà xuống thấp hơn như thể dang rộng vòng tay ôm ấp núi đồi đang dần chìm vào giấc ngủ. 

Hai bóng đèn xe máy như rọi sáng cả không gian tĩnh mịch, bóng hai người mặc quân phục như tạc vào bức tranh đẹp đẽ, cô tịch; bóng bé Nụ gầy còm, nhỏ bé như hòa vào bụi cây, nhấp nhô theo những vòng quay của bánh xe càng làm cho thôn bản cảm giác thật bình yên.

Khi ba người lên đến hiên nhà, anh Quảng đang ngồi tựa cửa, tay cầm chiếc đèn pin, ánh mắt không giấu được vẻ vui mừng, xúc động khi thấy các anh công an đưa Nụ về:

– Vất vả cho các chú quá. Tôi đang lo không biết con Nụ đi đứng thế nào.

Cán bộ Tâm trả lời:

– Không sao đâu anh. Nghe cháu Nụ nói anh đau chân, em và chú Hùng xin phép chỉ huy lên đón anh và thằng Toàn về xã làm Căn cước công dân. Sáng mai nhờ các cô bên trạm xá xã kiểm tra cái chân đau của anh luôn.

– Tôi đỡ nhiều rồi, nay mai nó sẽ khỏi. Kể ra mà không đau chân thì tôi cùng con Nụ đưa cả em nó ra xã làm căn cước rồi chú ạ. Tiếc quá!

– Thôi, giờ em quyết thế này. Tổ cấp Căn cước công dân của chúng em làm xuyên đêm để phục vụ bà con mình. Bây giờ, anh và cu Toàn chuẩn bị để em và chú Hùng đưa hai bố con đi luôn. Sáng mai, em lại đưa bố con anh về.

Anh Quảng không tin hỏi lại:

– Các chú làm đêm á? Đêm hôm có ai đi làm nhỉ?

Chú Hùng trả lời:

– Vâng. Chúng em phục vụ bà con cả đêm vì ban ngày có nhiều người bận công việc không đi làm được anh ạ. Cả tuần vừa rồi chúng em toàn làm việc đến hai, ba giờ sáng mới nghỉ.

Anh Quảng đồng ý đi, quay ra dặn Nụ ở nhà khóa cửa cẩn thận, sáng mai dậy cho con lợn, con gà ăn đừng để chúng đói mà tội. Lúc này, cán bộ Tâm ra sân ngắm nhìn ngôi nhà của ba bố con trên quả đồi màu xám một lúc rồi bước trở vào nói:

– Anh Quảng này, khi nào cháu Nụ lấy được Căn cước công dân, em tính xin cho cháu học nghề ở Trường dạy nghề dưới tỉnh. Ý anh thế nào? Cho cháu nó học để có cái nghề anh ạ. Anh đừng cho nó đi phụ vữa nữa, tay, chân bé tý tẹo xách xô vữa tội lắm!

Nghe cán bộ Tâm nói và nhìn thấy chú Hùng đang giúp thằng Toàn mặc áo mà đôi mắt anh Quảng nhòa đi. Một dòng nước mắt chảy xuống, lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ ấy.

– Thế thì tốt quá chú Tâm ơi! Các chú tốt với bố con tôi quá!

Chừng hơn mười phút sau, hai chiếc xe máy lại lần lượt từ lưng chừng đồi đi xuống theo con đường mòn quanh co, nhỏ bé. Chú Tâm chở hai bố con đi trước, xe của chú Hùng đi sau. Cứ thế hai ngọn đèn xe máy lại nối nhau rọi sáng cả một vùng núi đồi đang càng chìm sâu vào cảnh khuya thanh vắng.

Khi về đến Ủy ban xã đã gần mười hai giờ đêm, bố con anh Quảng được các cô chú trong tổ cấp Căn cước công dân nhanh chóng làm thủ tục cấp, sau đó chú Tâm đưa hai bố con về phòng nghỉ ngơi. Nằm trong căn phòng đối diện, anh Quảng vẫn không sao ngủ được, anh vẫn ngắm nhìn những bóng lưng của những cô, chú công an đang cặm cụi làm việc trong đêm muộn. 

Những con người tận tụy với công việc, họ không quản ngại khó khăn, gian khổ để phục vụ nhân dân. Ngoài sự trang nghiêm của bộ quần áo quân phục, các cô, chú ấy còn rất bình dị, ấp áp tình người, hình ảnh ấy đã khắc sâu vào tâm trí anh… Anh Quảng ôm Toàn vào lòng, nghĩ tới giây phút được cầm thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử và xa hơn cả là người đàn ông này đang nghĩ tới một tương lai tươi sáng hơn cho các con của mình.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hảo