Đã từ lâu, lì xì trở thành một tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10.
Tiền lì xì là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và chẵn, được đựng trong các phong bì nhỏ trang trí sặc sỡ, thường là màu đỏ.
Tục lì xì đầu năm được cho bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, vào thời khắc giao thừa, xuất hiện nhiều loại yêu tinh đến xoa đầu trẻ nhỏ khiến chúng bị bệnh. Những gia đình có con nhỏ phải thức đêm canh không cho yêu tinh làm hại con mình.
Lì xì trở thành một tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Ảnh: ST Sơn Thạch. |
Thấy vậy, vào dịp giao thừa tại một gia đình có cậu con trai nhỏ, có 8 vị tiên hóa thân thành các đồng tiền xu, để cha mẹ cậu bé cho vào túi nhỏ, đặt đầu giường. Khi yêu tinh đến, các đồng tiền lóe lên ánh sáng khiến chúng sợ hãi bỏ chạy.
Từ đó, người dân đem tiền lẻ bỏ vào túi nhỏ màu đỏ – màu tượng trưng của may mắn – và tặng trẻ nhỏ dịp năm mới để lấy may, xua đuổi điều rủi.
Bên cạnh đó, bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Ngoài ra, với người châu Á, màu đỏ là một trong những màu mang lại may mắn, tài lộc.
Khi được nhận phong bao màu đỏ vào những ngày đầu năm mới, trẻ nhỏ vô cùng háo hức và vui vẻ. Người xưa quan niệm, nụ cười của trẻ nhỏ vào ngày Tết còn mang ý nghĩa xua đuổi những điều không may.
Trước đây, mừng tuổi chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Ngày nay, tiền mừng tuổi còn có ý nghĩa tượng trưng cho một sức khỏe dồi dào, may mắn và thành đạt.
Bao lì xì thường có màu đỏ, tượng trưng cho tài lộc, may mắn. |
Xưa kia người ta quan niệm người lớn sẽ mừng tuổi trẻ nhỏ, còn người nhỏ không mừng tuổi người lớn. Tuy nhiên, ngày nay xã hội phát triển, con người cũng nghĩ khác đi, những người ít tuổi nhưng thành đạt, có gia đình thì vẫn có thể mừng tuổi cho ông bà cha mẹ để chúc họ sức khỏe, an lành.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau, là lúc được thể hiện tình cảm, hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt.
Ngọc Anh ( Sưu tầm)