Đặt chân lên biên giới những ngày này, sáng nào mở cửa ra cũng là lớp sương mù trắng xoá giăng trước mặt. Chàng Thượng uý Trần Hồng Hà, đội phòng chống ma tuý Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập chở tôi bằng chiếc xe máy xuyên qua lớp sương mù dày đặc, đến với các bản ở vùng biên. Hai bên đường dần hiện ra bạt ngàn hoa mận trắng và hoa đào phai đang độ bung nở đẹp nhất, bảng lảng nép trong lớp áo sương mù giá buốt.
Thấy tôi cứ xuýt xoa, mê mải ngắm rừng hoa đào, hoa mận của mùa Xuân vùng biên, Thượng uý Trần Hồng Hà chia sẻ: “Bọn em đi tuần tra ngày nào cũng trên cung đường này. Phải nói rằng, đây là những con đường đẹp như tranh vẽ, như chốn tiên cảnh vậy. Nhưng chúng em là bộ đội, chỉ ngắm và lưu lại trong trí nhớ mỗi ngày về mùa Xuân biên giới vậy thôi. Khi về Đồn anh em trong đội lại kể cho nhau nghe rằng hôm nay ở đoạn đó, đoạn này cây hoa đào phai đã nở bung đẹp lắm, hoa mận chỗ kia đang trắng xoá cả bạt rừng…”. “Cũng có lúc, em ước vợ sẽ lên thăm biên giới đúng mùa Xuân, để cô ấy được tận mắt thấy những cây đào phai và rừng mận trong không gian tuyệt đẹp thế này”.
Những con đường dẫn tôi đến bản Phiêng Cài, huyện Mộc Châu (Sơn La) gần 11h trưa vẫn chìm trong lớp sương mù huyền ảo. Vợ chồng anh Tráng Láo Của đang ngồi bên bếp lửa bập bùng để xua tan cái lạnh vùng biên, khi 2 đứa con nhỏ chạy ra đầu ngõ nô đùa với lũ trẻ cùng bản. Như chợt nhớ ra điều gì, anh Tráng Láo Của leo thoăn thoắt lên vạt rừng mận của gia đình ở phía sau nhà.
Tráng Láo Của giới thiệu đây là rừng mận 400 gốc của gia đình anh đang độ bung hoa trắng xoá. Lác đác đã có cây ra quả sớm. Tráng Láo Của vui vẻ kể về những kỹ thuật trồng mận để đơm hoa, kết trái sai quả. Về những ngày sương gió giá lạnh vẫn phải chăm bón, xới gốc, làm cỏ, tưới phân cho vườn mận….. Của còn hái luôn 2 quả mận to nhất đưa cho tôi nếm thử: “Chị nếm thử đi, mận sạch đấy”. Nói rồi Của cũng nhai gọn lỏn quả còn lại, khi tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng rằng sao mận đã ăn được lúc này?”. Của cười, may có vài quả lớn trước, ăn chưa ngon nhưng cũng là ăn tạm được để cảm nhận vị chua, ngọt và khẳng định với chị là mận sạch của vùng này”.
Tráng Láo Của nói thêm: “Để có vườn mận đẹp, đầy hoa, sai quả là bao công sức người nông dân miền biên giới. Ở nơi này xa huyện thị, đường khó đi, nên khách du lịch không tiện đường vào đây chơi. Chúng em cũng thấy mùa hoa mận đẹp, nhưng vẫn chỉ mong chờ đến ngày vườn mận đậu nhiều quả, đợi quả chín đem bán mới có tiền lo cho con cái học hành, mua sắm đồ dùng trong nhà. Còn hoa mận đẹp thì người dân cũng chỉ nhìn vậy thôi”.
Tết vẫn như mọi ngày, chỉ có cây đào phai quanh nhà mang sắc Tết
Vẫn tiếp tục xuyên qua những lớp sương mù đặc quánh mờ ảo, căn nhà lợp proximăng, vách gỗ cũ kỹ, thưa thớt dành cho gió lạnh tha hồ lùa vào nhà. Chị Sùng Thị Chu, 19 tuổi, dân tộc Mông ở bản Buốc Pát, xã Lóng Sập đang giặt đống quần áo khá to của cả gia đình. Phía trong căn nhà tuềnh toàng của gia đình chị còn có mẹ chồng và chồng chị bế đứa con nhỏ 10 tháng tuổi ngồi quanh bên bếp lửa hồng.
Ngày Tết, nhưng gia đình chị Chu cũng chẳng có gì khác hơn mọi ngày. Chị Chu cười ngại ngùng: “Tết thì người Mông chúng tôi vẫn chỉ như mọi ngày thôi. Vẫn lên nương đi làm nếu việc chưa xong. Chỉ khi nào có Tết người Mông tổ chức ở gần nhà thì bà con mới diện quần áo đẹp để cả nhà đi chơi. Không có Tết người Mông thì chúng tôi xuống chợ phiên cũng chơi được rồi. Tiện thể tôi mua đồ ăn như gạo, mắm muối, những thứ đồ dùng cần thiết cho cả nhà, bán con gà, con lợn khi nhà đã hết tiền tiêu”.
Đi dạo một vòng lên dốc, xuống đèo quanh bản Buốc Pát bằng con đường mòn phủ đầy sương, khiến chiếc xe máy chở tôi cứ nhảy chồm chồm. Không khí Tết của người Mông nơi này vẫn yên ả lắm, thi thoảng chúng tôi mới gặp vài người dân ra đường và đâu đó tiếng khèn Mông dìu dặt vang lên ở căn nhà góc bản. Với họ, những ngày lạnh giá chỉ có bếp lửa sưởi ấm là nơi tụ tập đông đủ cả gia đình trong những ngày Tết. Thứ duy nhất mang sắc thái Tết của gia đình chị Chu là phía trước cửa, phía trái nhà đang có những cây đào phai gốc sù sì, tán rộng nở bung màu hoa hồng phấn. Căn nhà của chị Chu như bị lu mờ bởi những cành đào chi chít nụ mập mạp, những bông hoa đào phai 5 cánh vẫn đọng nguyên những giọt sương long lanh của mùa Xuân biên ải.
Tôi vẫn nhớ, tâm sự của một người lính biên phòng nói rằng: “Mùa Xuân nơi biên cương lúc nào cũng đẹp vô ngần. Mỗi lần chúng tôi đi tuần tra đường biên, cột mốc chính là một lần được thưởng thức cảnh đẹp của đất nước mình. Dù biên cương mênh mang, rộng lớn, lòng người cũng có lúc chùng xuống, bé nhỏ khi nỗi nhớ quê nhà ập đến, nhưng dẫu có thế nào, những người lính chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc khi được gắn bó cả đời binh nghiệp ở đây, được gánh trên vai trọng trách thiêng liêng gìn giữ từng tấc đất biên cương giàu đẹp của Tổ Quốc mình”.