Dù sống ở Nhật Bản đã lâu nhưng gia đình chị Nguyễn Quỳnh Hoa (34 tuổi) vẫn yêu thích các món bún, phở Việt Nam. Thông thường, chị chế biến bún, phở cho bữa sáng hoặc cuối tuần nhằm thay đổi, kích thích khẩu vị.
Còn khi bước sang mùa hè, các món nước được gia đình chị ưu tiên hơn nhờ dễ ăn, thanh mát. Chị Quỳnh Hoa rất chịu khó chế biến đa dạng các món bún nước để các bữa ăn tại gia “nhoáng cái hết”.
Qua đây, Nguyễn Quỳnh Hoa sẽ chia sẻ cách làm 5 món bún nước quen thuộc ăn thay cơm rất thanh mát, lại dễ làm.
Bún riêu Hà Nội: Cua lọc lấy nước dùng, gạch vàng để riêng. Cà chua bổ múi cau, hành khô bóc thái nhỏ. Bắc nồi nước lọc cua lên bếp, đun lửa to. Khi thấy nồi riêu cua sôi, gạch cua nổi, dùng muôi lỗ múc phần gạch ra bát riêng. Tiếp tục phi thơm hành khô, thả cà chua vào đảo qua rồi đổ gạch riêu cua vào, thêm gia vị, đảo đều.
Bước cuối cùng, chỉ cần nướng chín quả dọc, bóc vỏ, thả vào nồi nước dùng cùng vài miếng cà chua tươi. Giấm bỗng lọc qua rây, khi ăn sẽ nêm vào nồi nước dùng cho đậm đà. Thả thêm đậu phụ rán vàng vào nồi riêu là tròn vị.
Bún hến chua ngọt: Sơ chế hến sạch sẽ, bắc nồi nước, thả hành khô vào luộc chín, lấy thịt. Đậu phụ cắt miếng, chiên giòn. Cà chua thái múi cau, dứa thái miếng, hành lá và rau răm thái khúc. Tiếp đến phi thơm tỏi, hành với dầu màu điều cho thơm, đổ hến vào xào săn. Thả cà chua thái múi và cà chua bi vào, đảo đều. Nêm nếm ớt, sa tế, muối, mì chính, bột ngọt là có nồi nước dùng hấp dẫn.
Muốn nấu món bún ngon, theo chị Quỳnh Hoa, phần nước dùng phải đảm bảo vị ngọt dịu, trong thanh, không bị đục dầu mỡ. Màu sắc của bát bún phải có màu sắc tươi sáng, ngầy ngậy từ cà chua, dứa và rau sống ăn kèm, cùng vị chua từ các loại quả như me, sấu, quả dọc, tai chua.
Bún cá cay đặc biệt: Cá làm sạch, lọc lấy thịt. Đầu và xương cá để riêng. Ướp thịt cá với nước cốt nghệ, bột ngọt, muối, bột tỏi, gừng, mỡ hành cho ngấm gia vị. Tiếp đến, tẩm bột chiên giòn cho thịt cá rồi chiên vàng. Để chế biến nước dùng, luộc xương cá với hành tây, gừng đập dập, hạt tiêu, muối. Sau đó vớt ra, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Đầu cá chiên qua, thả tiếp vào nồi nước dùng, ninh khoảng gần tiếng sẽ thêm hành tây, gừng nướng thơm.
Cà chua thái múi cau, dứa cắt bỏ vỏ thái miếng. Phi thơm hành, tỏi băm rồi thả cà chua, dứa vào đảo đều để thả vào nồi nước dùng. Nêm nếm thêm gia vị sao cho phù hợp khẩu vị. Khi ăn, thả thêm chả cá, chả lá lốt, dọc mùng và chấm kèm nước chấm sẽ rất ngon miệng.
Bún măng vịt: Vịt làm sạch. Hành tây, hành khô, gừng nướng thơm. Nấm hương ngâm nở. Bắc nồi nước luộc thịt vịt, thêm hành khô, gừng, hành tây vào, nêm muối, đường phèn, mì chính. Sau khoảng 25-30 phút, thịt vịt chín thì tắt bếp, đợi nguội, chặt miếng vừa ăn. Tiếp đến, phi thơm hành, cho măng và nấm hương vào xào khoảng 5 phút. Nêm thêm mắm, muối vừa ăn. Cuối cùng, cho măng đã xào vào nồi nước dùng và nêm nếm lại gia vị.
Ăn bún măng vịt không thể thiếu nước chấm chua cay. Có thể pha theo công thức: 3 thìa cơm đường, 3 thìa cơm nước mắm, 1/2 nước cốt chanh, 1/2 củ gừng dập dập, 5 tép tỏi băm, 2 quả ớt băm nhỏ rồi khuấy tan, bảo đảm ăn chẳng mấy mà hết.
Bún ốc: Ốc mua về làm sạch, luộc chín, để nguội rồi khều lấy thịt ốc. Nước ốc luộc giữ lại, lọc lại qua rây. Phi thơm hành khô, cà chua, ớt tươi và ớt khô rồi múc ra bát. Đun sôi nước ốc luộc, cho cà chua đã xào vào. Nêm muối, mì chính cho vừa ăn. Sau đó thêm giấm bỗng, đun liu riu.
Món bún ốc có màu cà chua nhẹ nhàng, nước dùng trong, thơm mùi giấm bỗng và giữ được vị ốc ngon ngọt tự nhiên. Tuỳ khẩu vị từng người có thể thêm mắm tôm, hoặc bỏ qua giữ vị truyền thống xưa.
Thanh Hoa