Câu chuyện ít ai biết về Bác Hồ và cậu bé chăn trâu ở Pác Bó

Ở Pác Bó, Bác dịch sách, soạn tài liệu, viết sử bằng văn vần, mở liên tục hết lớp huấn luyện này đến lớp huấn luyện khác, lo bồi dưỡng từng người, chăm chút tờ báo Việt Nam Độc lậptạo ra phong cách khỏe khoắn, chắc nịch cho báo. Bác sống bằng cháo bẹ canh măng, tự tay mò ốc, lấy củi, là người đầu tiên đem ớt đến trồng ở vùng núi cao ấy.
Bac Ho o Khuoi Nam anh 1
Ít ai biết là Bác biết hát, thuộc bài hát và từng dạy hát.
Dương Chí Nần ở lán Pàn Coóc Mỳ – một xóm nhỏ khuất nẻo trong làng Pác Bó – năm đó mới chín, mười tuổi. Một tối tháng ba, xuân rét lại, bọn trẻ trong xóm đang hát bài hát Nhi đồng Cứu quốc hội bằng điệu “sàng có”, do chú Lê Quảng Ba dạy.
Một ông cụ bước vào nhà, thấy đám trẻ hát, vòng tay mỉm cười:
– Ai dạy các cháu bài hát ấy. Các cháu có muốn học thêm bài hát không?
Dương Chí Nần kể lại: “Tất cả bọn trẻ chúng tôi reo mừng, sán đến ông cụ, bám vai, níu áo, cầm tay, bám lưng, đứa nào đứa nấy chân tay cứ rối rít cả lên như muốn vào gần ông cụ thêm nữa. Ông cụ bắt đầu dạy hát. Bài hát không biết tác giả là ai mà cũng không hiểu sao ông cụ lại nhớ:
“Dưới quyền uy người gieo lòng người bao thống tâm. Nao núng tâm hồn vì đâu nước nòi nát tan”.
Ông cụ hát ba lần cho chúng tôi nghe. Mỗi lần hát, tay ông cụ lại bắt nhịp. Trước khi chúng tôi hát, ông cụ lại giảng kỹ ý nghĩa bài hát bằng tiếng Nùng cho chúng tôi hiểu để thuộc nhanh hơn. Khó nhất là hát câu cuối: “Nhưng lòng quyết đi phá tan đời thảm thê trăm lần cuộc thế”. Ông cụ nhấn mạnh và ngân dài “Lòng quyết đi…”.
– Các cháu phải nhớ: “Lòng quyết đi”, hát phải mạnh, phải khỏe.
Từ đó, đi kiếm củi rừng xa hay chăn trâu đồng gần, tôi chỉ còn hát: “Lòng quyết đi phá tan đời thảm thê”. Hát liên miên không biết chán.
Ông cụ tạm trú ở Pàn Coóc Mỳ có năm, sáu hôm. Rồi một sớm, Nần vừa thức dậy, ông cụ đặt tay lên vai Nần:
– Ông sang ở lán khác. Thỉnh thoảng cháu đến chơi với ông.
Một hôm nhớ ông cụ quá, được biết ông cụ đã sang ở bên Khuổi Nậm, Nần thả trâu xuống đó. Thấy trâu chịu ăn cỏ, Nần rẽ lá, lách cây, chui bụi tìm đến lán ông cụ.
Ô! lán đây rồi. Lán treo trên dòng suối, ẩn dưới những cành lá dang tay dài, xòe tán tròn. Nần len lỏi đến gần. Lán chỉ có một mái: Vài gắp tranh tươi, mầu mạ non, gối đầu lên nhau. Phên lán là những tấm lá “cáp tao” đan vào nhau, đuôi lá lao xao đùa với gió.
Dòng suối Khuổi Nậm – nghĩa đen là dòng suối – chảy róc rách. Nhìn kỹ thì ra lán được buộc chặt vào hai thân cây “may mạ” và “may mác phầy”, sàn lán được kê bằng cây rừng to đều nhau và thẳng. Mùa hè, ba người nằm thì vừa, mùa đông năm, sáu người nằm cũng được. Chung quanh lán được phát quang. Cỏ cao, cành khô, lá mục được dọn sạch.
Ông cụ nhìn thấy Nần:
– Cháu đi đâu đấy?
– Dạ, cháu đi chăn trâu. Cháu nhớ ông!
– Ai bảo cháu biết chỗ ông ở thế?
– Cháu tự tìm đến, ông ạ!
Từ đó, chiều nào thả trâu trên đồi, Nần đều đến lán ông cụ. Chỗ ông cụ làm việc cách lán chừng mươi bước chân người lớn, thoáng mát, nhiều ánh sáng. Dưới chân là cỏ xanh, thứ cỏ lá nhỏ bằng lá tre. Ngồi đấy nhìn rõ cửa rừng. Ông cụ thường ngồi trên một tảng đá đánh máy chữ. Ngón tay ông cụ dài dài và xương xương ấn nhanh, các nút chữ nhún nhảy, trong mắt trẻ thơ như biết múa. Tiếng máy chữ lách tách, giấy đùn lên hết tờ này đến tờ khác.
Chú bé chăn trâu được Bác đôi khi ngơi tay chỉ bảo, ít lâu trở thành liên lạc đưa đường cho cán bộ ra, vào biên giới.