CEO Lazada Việt Nam: ‘Thương mại điện tử là cuộc chạy đua marathon’

CEO Lazada Việt Nam, James Dong ví cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử là marathon, đòi hỏi sức bền và chiến thuật từng giai đoạn.
Thương mại điện tử nói chung và Lazada nói riêng trải qua một năm chuyển biến nhanh chưa từng có. Nhiều chỉ số tăng trưởng kỷ lục, nhiều chỉ báo lạc quan về thói quen mua sắm online của người dùng. Điển hình với Lazada, số lượng nhà bán hàng trong năm qua tăng gấp đôi so với năm 2019. LazMall – hệ thống gian hàng chính hãng của nền tảng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng về số lượng đơn hàng và khách hàng đến hơn ba lần trong các lễ hội mua sắm và hơn hai lần trong các ngày thường.
Đại diện Lazada Việt Nam, CEO James Dong chia sẻ câu chuyện một năm thành công của nền tảng này và những định hướng trong năm 2021.
Ông James Dong -  Tổng giám đốc Lazada Việt Nam. Ảnh: Lazada Việt Nam.

Ông James Dong – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam. Ảnh: Lazada Việt Nam.

– Ông nhìn nhận thế nào về quan điểm “đốt tiền” cho khuyến mãi, giảm giá để tranh thị phần, tạo tăng trưởng?
– Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có nhiều bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây và vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng trong nhiều năm sắp tới. Với tiềm năng lớn như vậy, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người bán, nhãn hàng, nhà cung cấp dịch vụ và cả các nhà đầu tư. Hệ quả là sẽ có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào cho các doanh nghiệp để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Đó cũng là lý do Việt Nam có đến 4 nền tảng thương mại điện tử lớn, chưa kể các sàn quy mô nhỏ hơn hoặc đặc thù cho từng lĩnh vực.
Đối với Lazada, chúng tôi không tin vào cái gọi là “đốt tiền”. Nếu cần thiết, đó sẽ là một chiến lược cho dài hạn, chứ nếu chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn thì rất dễ gặp tình trạng người mua, người bán, nhãn hàng… quay lưng khi doanh nghiệp ngừng “đốt”. Tình trạng này đã xảy ra tại những thị trường trước đây tôi làm việc, với những hậu quả rất nặng nề. Đó là lý do chúng tôi luôn tự hỏi trong bất cứ kế hoạch nào: Lazada có muốn thực hiện điều đó trong những năm tới và cả thập kỷ tới hay không?
– Nếu không “đốt tiền”, thế mạnh nào của Lazada giúp giữ chân người tiêu dùng?
Tôi tin rằng đó là sự phát triển bền vững và lành mạnh. Thứ nhất, Lazada và Tập đoàn Alibaba xây dựng mô hình kinh doanh và tăng trưởng không phụ thuộc vào bất cứ một nhà đầu tư bên ngoài nào. Chúng tôi chưa niêm yết và cũng chưa gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm nên không bị áp lực về chỉ tiêu cho các vòng gọi vốn. Chúng tôi cũng không sợ cạn vốn. Kế đến, chúng tôi kế thừa các kỹ năng vận hành, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhất về thương mại điện tử từ những thị trường khác và Tập đoàn Alibaba. Tập đoàn đã phát triển 20 năm qua trên khắp 40 thị trường. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin về kiến thức, công nghệ và bí quyết kinh doanh.
Bên cạnh đó chúng tôi còn có sự am hiểu sâu sắc về thị trường Việt Nam, người mua, người bán, nhãn hàng, nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam… và lựa chọn chiến lược để mang lại hiệu quả tối ưu cho các khách hàng. Ví dụ người dùng Việt thích giao hàng miễn phí. Chúng tôi cung cấp giao hàng miễn phí nhiều hơn các thị trường khác. Tương tự, người dùng Việt Nam hứng thú với các chương trình livestream nên chúng tôi đầu tư sản xuất livestream ngày càng nhiều nhằm nâng cao trải nghiệm “Mua sắm kết hợp giải trí – Shoppertainment”. Trong năm 2020, số chương trình livestream trên Lazada tăng hơn 10 lần, số lượt xem livestream hàng ngày trên ứng dụng tăng gần 25 lần. Trong đó, đại nhạc hội trước các lễ hội mua sắm thu hút đến 15 triệu lượt xem… Nhìn chung, đó là chiến lược của Lazada để cạnh tranh dài hạn chứ không chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Hiện giờ, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong năm nay và những năm tới. Và đó là sự tăng trưởng lành mạnh.
– Ông đánh giá thế nào về vai trò của lượng truy cập sau một năm thị trường thương mại điện tử được cho là bùng nổ?
– Thực tế, việc tạo ra lượt truy cập không tốn kém nhiều, nhưng để đạt sự chuyển đổi từ lượt truy cập thành giao dịch hay người mua thì lại là một câu chuyện khác. Hiện tỷ lệ chuyển đổi trên điện thoại hiện đã cao hơn 8 lần so với trên máy tính.
Chúng tôi đang phát triển một cách lành mạnh, không buộc phải làm hài lòng nhà đầu tư bên ngoài nào cả nên không đặt trọng tâm vào lượt truy cập website. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào tỷ lệ chuyển đổi và cuối cùng là chuyển thành người mua. Người mua là mục tiêu, không chỉ mua một lần mà còn gắn bó lâu dài. Hiện 95% lượng người mua của Lazada đến từ ứng dụng trên điện thoại. Vì thế, mức đầu tư, tỷ lệ tâp trung của KPI sẽ cần những mô hình kinh doanh, chiến thuật, chi tiêu… khác biệt so với trước.
– Nếu để khái quát tình hình cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử trong năm 2020, ông sẽ dùng hình ảnh nào?
– Tôi cho rằng cạnh tranh trong thương mại điện tử giống như một cuộc chạy đua marathon. Trong marathon, kiểm soát tốc độ rất quan trọng. Đặc biệt là khi mới bắt đầu, nếu chạy quá nhanh, bạn sẽ khiến bản thân nhanh chóng kiệt sức. Ví dụ bạn thường chạy với tốc độ là 6 phút một km nhưng nếu ngay từ ban đầu bạn đã chạy 5 phút một km thì chắc chắn việc hoàn tất 40 km còn lại sẽ rất khó khăn. Nếu biết kiểm soát tốc độ trong suốt quãng đường, bạn có thể làm tốt dần lên chứ không bị đuối đi trong một chặng đường dài. Chúng ta cần phân phối sức lực, tiếp thêm năng lượng… để có thể duy trì tốc độ chạy đua trên mỗi chặng marathon.
Vấn đề là trong những cuộc đua marathon, hầu hết mọi người đều chạy nhanh hơn mức cần thiết lúc ban đầu, nhưng càng về cuối thì dễ dẫn đến mệt mỏi, đau đớn, rất khó khăn để về đích. Điều này cũng tương tự với thương mại điện tử. Đó không chỉ đơn giản là marathon, đó là chiến lược của chúng tôi và cũng là triết lý của cuộc sống. Lazada đã “chạy marathon” trong lĩnh vực này hơn 8 năm và Tập đoàn Alibaba thì đã 20 năm rồi. Rất hiếm có đối thủ thương mại điện tử nào trong khu vực ở trong lĩnh vực này lâu đến thế.
Lazada triển khai nhiều sáng kiến giao hàng  không tiếp xúc đảm bảo an toàn cho nhân viên và người mua trong năm 2020. Ảnh: Lazada Việt Nam.

Lazada triển khai nhiều sáng kiến giao hàng không tiếp xúc đảm bảo an toàn cho nhân viên và người mua trong năm 2020. Ảnh: Lazada Việt Nam.

– Vậy Lazada duy trì tốc độ như thế nào trong khi thị trường chuyển động rất nhanh?
– Tôi không quá lo lắng về các doanh nghiệp khác. Chúng tôi đã ở trong ngành này đủ lâu. Mô hình kinh doanh này được Alibaba tạo ra 20 năm trước và đã chinh phục nhiều thị trường. Chúng tôi cũng liên tục biến đổi và nâng cấp trong nhiều khía cạnh. Ở Việt Nam, Lazada là nền tảng tiên phong phát triển mạnh livestream và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, cơ sở kho vận, trung tâm chia chọn…
Công ty tự tin về mô hình kinh doanh cũng như ý tưởng sáng tạo để phát triển. Cũng vì thế, chúng tôi cũng không quá lo sợ về một bước ngoặt trên thị trường đến từ các đơn vị khác. Cũng như một cuộc chạy đua marathon, chúng tôi quan tâm đến tốc độ của chính mình và khi mọi thứ đang tăng trưởng tốt và liên tục, hiệu quả kinh doanh không ngừng được cải thiện theo từng quý… thì tốc độ của Lazada vẫn đang rất ổn định.
Việc phụ thuộc vào vốn đầu tư từ bên ngoài đôi khi sẽ thiếu ổn định. Thị trường có lúc nhiều vốn được rót vào, có lúc lại ít và khi đó thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Nhưng Lazada không đối mặt với vấn đề đó. Vốn đầu tư năm này qua năm khác sẽ vẫn tiếp tục tăng nếu như hiệu quả kinh doanh của chúng tôi tiếp tục được cải thiện.
– Vậy quan điểm của Lazada về cạnh tranh là gì?
– Chúng tôi thích cạnh tranh. Sự canh tranh giữa các bên với những điểm mạnh yếu khác nhau sẽ giúp chúng ta tiến bộ ở những khía cạnh trước đây ta không nghĩ đến. Cạnh tranh tạo động lực giúp chúng tôi vận hành hiệu quả hơn, đạt mục tiêu nhanh hơn và tồn tại bền vững.
Khi nhắc đến cách thức cạnh tranh, tôi muốn trở lại với hình ảnh về cuộc đua marathon. Một số người rất giỏi trong việc chạy cự ly ngắn, và có thể chạy rất nhanh nhưng nếu không phân bố tốc độ hợp lý trên đường đua marathon, vận động viên sẽ dễ kiệt sức trước khi chạm đích.
– Ông quan niệm như thế nào là lợi thế cạnh tranh bền vững?
– Lazada không đầu tư ít hơn các bên khác, nhưng ở góc độ người tiêu dùng, mọi người khó có thể nhìn thấy một cách rõ ràng. Đó là vì chúng tôi tập trung phần lớn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics. Chúng tôi đã xây nhà kho từ 7-8 năm trước đây và hiện sở hữu hệ thống hạ tầng logistics lớn hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Mục tiêu của chúng tôi trong vòng ba năm nữa là sẽ rút ngắn thời gian giao hàng trong nước xuống một ngày, còn xuyên biên giới là ba ngày.
Lazada chọn xây dựng hệ thống logistics riêng từ con số 0 để giải quyết một vấn đề nhức nhối của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kết hợp với các nhà cung cấp khác có thế mạnh riêng để tăng cường sức mạnh cho hệ sinh thái logistics.
Vài năm nữa, người Việt có thể tận hưởng chất lượng dịch vụ như người Mỹ hay Trung Quốc. Bạn có thể có dịch vụ chuyển hàng 30 phút cho thực phẩm tươi sống, thậm chí cả những ly latte nóng… Tất cả những điều đó cần nhiều năm đầu tư chứ không thể có trong một sớm một chiều.
Mua lượt truy cập website sẽ dễ dàng và nhanh, chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng nếu muốn xây dựng một hệ thống nhà kho và hạ tầng logistics tốt, bạn không thể làm nhanh được kể cả khi bạn đi mua một công ty logistics. Chúng tôi luôn nhìn thị trường ở góc nhìn dài hạn. Thời gian là bạn của chúng tôi.
Logistics là một trong những thế mạnh của Lazada trong việc cung cấp dịch vụ tối ưu cho nhà bán hàng và người mua. Ảnh: Lazada Việt Nam.

Logistics là một trong những thế mạnh của Lazada trong việc cung cấp dịch vụ tối ưu cho nhà bán hàng và người mua. Ảnh: Lazada Việt Nam.

– Kế hoạch của Lazada trong năm nay sẽ được triển khai như thế nào?
– Tôi không nghĩ là chúng tôi phải táo bạo hơn hay nên lùi bớt lại. Chúng tôi vẫn tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam nhưng việc này cần được tính toán cẩn thận. Mức đầu tư của Lazada được bổ sung dựa trên các đánh giá riêng của chúng tôi về thị trường chứ không chỉ dựa vào các đơn vị khác.
Xuyên suốt năm 2021, Lazada vẫn sẽ tiếp tục là nền tảng kinh doanh cho hàng trăm nghìn thương hiệu và nhà bán hàng tăng trưởng, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn liên tục đẩy mạnh tiềm lực công nghệ với nhiều sáng kiến hơn nữa nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất đến khách hàng. Đơn cử là việc tối ưu hóa trí tuệ nhân tạo vào chức năng tìm kiếm trên ứng dụng, cho phép người dùng tìm kiếm sản phẩm nhanh chóng và thuận tiện nhất với tính năng tìm kiếm bằng giọng nói (Voice-search) và hình ảnh (Image-search). Cuối cùng, Lazada không ngừng nâng cao vào đầu tư vào sức mạnh logistics, hướng đến giao hàng trong ngày với chi phí giao hàng thấp nhất nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tóm lại, chúng tôi có niềm tin vững vàng vào lối đi riêng của mình. Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng Lazada có thể duy trì vị trí số một, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác nữa.
Nam Anh