Đừng để sự vô tâm của mình chạm vào nỗi đau của người khác

Bạn có thể vô tư kể về niềm hạnh phúc, những thành tựu của bản thân, nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng mình đang vô tình chạm vào nỗi đau của người khác?
Không thể phủ nhận một điều rằng, mạng xã hội chính là nơi để người ta thể hiện bản thân. Nếu như trước đây chưa có mạng xã hội, người ta chỉ có thể giao lưu, chia sẻ với nhau bằng những lần hẹn hò gặp gỡ, hay chat qua Yahoo, nhắn tin SMS. Từ ngày những đế chế mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter xuất hiện, cuộc sống của chúng ta càng ít tính riêng tư hơn. Chỉ cần đăng lên một dòng trạng thái cũng có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm, hàng nghìn người. Mạng xã hội trở thành nơi mà một số người khoe mẽ, đánh bóng hình ảnh của bản thân, từ đó mới sinh ra cụm từ “sống ảo”.
Khi sự vô tâm của mình chạm vào nỗi đau của người khác
Tuy nhiên, không phải ai cũng lên mạng xã hội để sống ảo. Có những người coi đó là cánh cửa để họ kết nối với thế giới ngoài kia, nhất là trong những dịp giãn cách xã hội. Có những người rụt rè, ngại giao tiếp ngoài đời nhưng lại hoạt động rất năng nổ trên mạng xã hội. Những người có khuynh hướng tính cách hướng nội, thường dùng viết như một phương tiện để thể hiện bản thân. Họ cảm thấy vui vẻ khi chia sẻ những niềm vui của mình, cảm thấy tự hào khi khoe ra những thành tựu đạt được, thấy được giải tỏa khi viết ra những dòng tâm trạng.
Tôi cũng là một người rất cởi mở về bản thân trên mạng xã hội, dù ngoài đời tôi khá hướng nội, ít bạn bè, không hay tụ tập vui chơi. Tôi chia sẻ mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình, có lẽ là như một thói quen. Khi vui thì được lan tỏa niềm vui đến mọi người, khi buồn thì được giải tỏa bớt tâm trạng. Cũng nhờ những cái “tút” siêu dài mà tôi quen biết được một số người bạn tâm giao trên mạng, những người tôi chưa gặp mặt bao giờ nhưng họ theo dõi tôi, yêu quý tôi, thậm chí còn gửi quà cho tôi nữa.
Khi sự vô tâm của mình chạm vào nỗi đau của người khác
Có một lần, tôi vu vơ than vãn với một cô bạn về nỗi nhớ nhà, về cảm giác thèm được về nhà khi dịch bệnh kéo dài, về quê khó khăn hơn trước, tôi hỏi bạn ấy. Cô bạn không nói câu nào, chỉ lẳng lặng “đã xem”. Tôi hơi hụt hẫng nhưng cũng không nói gì thêm. Vài hôm sau, tôi lại hào hứng hỏi bạn ấy về một cuộc thi tôi định tham gia. Bạn ấy vẫn “seen” và chẳng nói gì. Tôi hoang mang không hiểu, bèn rút lại những tin nhắn đã gửi.
Đối với tôi, việc “seen” mà không trả lời khá mất lịch sự, nhất là với những mối quan hệ thân quen, có thể người ta quên không trả lời, nhưng nếu họ quên đến lần thứ 2 thì tôi không nhắn nữa. Nhưng vì đây là mối quan hệ tôi rất coi trọng nên tôi đã suy nghĩ xem mình có làm gì khiến bạn phật lòng không. Thì ra, tôi đã động chạm đến một từ khóa phải tránh nhắc đến với bạn ấy trong quãng thời gian đó. Bố mẹ bạn ấy vừa mới ly hôn, bạn đã phải rất khó khăn để vượt qua, đến khi đỡ hơn rồi mới chia sẻ với tôi. Bạn ấy làm việc tại TP.HCM, việc về nhà với bạn ấy lúc đó thật sự khó khăn và nặng nề. Nếu tôi quan tâm đến bạn ấy, thì đã không hỏi một câu vô tâm đến vậy.
Khi sự vô tâm của mình chạm vào nỗi đau của người khác
Sau đó tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến bạn ấy, vì bạn ấy là một trong những người mà tôi coi trọng. Mừng là bạn ấy đã mở lòng chấp nhận lời xin lỗi của tôi, bạn ấy kể rằng vẫn theo dõi những gì tôi chia sẻ trên mạng. Sự cố giao tiếp ấy nhắc nhở tôi phải thận trọng trong từng câu từ, đôi khi mình không có ý xấu nhưng sự vô tâm của mình lại chạm vào nỗi đau của người khác.
Tôi cũng thận trọng hơn với những gì mình chia sẻ, có những lần soạn sẵn cả cái “tút” dài nhưng cuối cùng viết xong lại không đăng. Có những niềm vui nhỏ tôi muốn khoe nhưng dành 1 phút để suy nghĩ lại. Như có lần tôi được thưởng tiền nhân dịp ngày kỷ niệm, niềm vui thì ai chẳng muốn khoe ra. Nhưng tôi đã cẩn thận hỏi lại có phải tất cả các cộng tác viên đều được thưởng không? Thì ra không phải, thế nên tôi quyết định không khoe nữa.
Khi sự vô tâm của mình chạm vào nỗi đau của người khác
Tất nhiên hạnh phúc của tôi là hoàn toàn xứng đáng vì nó được đánh đổi bằng sự cố gắng. Nhưng nếu hạnh phúc của tôi vô tình làm đau người khác, thì liệu nó có còn trọn vẹn nữa không. Hay tệ hơn, tôi có vô tình khơi gợi lên lòng đố kỵ của người khác hay không?
Ở thời điểm dịch bệnh này, nhiều người phải sống trong tình cảnh rất khó khăn, mình may mắn vẫn bình ổn trong mùa dịch thì cũng không nhất thiết phải phô trương điều đó. Tôi luôn mong muốn mình lan tỏa những điều tích cực đến mọi người, vì thế mà phải cân nhắc thật kỹ với những gì mình chia sẻ.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm