GEN Z VÀ CÂU CHUYỆN TÍCH HỢP VĂN HÓA BẢN ĐỊA VÀO THỜI TRANG ĐƯƠNG ĐẠI

Vừa qua, tại khách sạn Majestic, chương trình Fashion Creation 2022 của sinh viên Ngành Thiết kế thời trang- Khoa Thiết kế- Nghệ thuật- Đại học Hoa Sen đã mang đến những màn trình diễn ấn tượng với 21 BST từ các nhà thiết kế trẻ tương lai
Với những nhân tố đang chuẩn bị “vươn cánh “sau đại dịch Covid – 19, Fashion Creation 2022 không chỉ đơn thuần là buổi trình diễn bộ sưu tập tốt nghiệp mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên Khóa TK 18 ngành thiết kế thời trang tạo ra một sân chơi đầy màu sắc mang đậm góc nhìn thời đại.
Nhà thiết kế Minh Hạnh từng cho rằng “Những người yêu thời trang Việt luôn có ý thức tìm về cội nguồn giá trị văn hóa dân tộc, trên những cảm xúc và góc nhìn mới lạ”. Trở về những năm trước đây, nền công nghiệp thời trang Việt Nam đã có những bộ sưu tập “để đời” đậm chất Việt, lấy cảm hứng từ những gánh hoa dạo như “Em Hoa” của Nguyễn Công Trí hay từ những đồ vật quen thuộc gắn bó với cuộc sống thường ngày của phụ nữ như “La Peinture” của Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng.
Tiếp nối những đàn anh, đàn chị đi trước, năm nay, thế hệ Gen Z nhà Sen đã tiếp tục kế thừa và phát triển khi lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới. Tuy không phải là đề tài quá mới lạ và chưa từng có ai làm nhưng quả thật, đây là một tín hiệu tốt chứng tỏ văn hóa Việt Nam đủ hấp dẫn và đa dạng để những người làm trong ngành thời trang có thể kể những câu chuyện văn hóa của mình.
Là một trong những cá thể “chơi hệ” yêu Sài Gòn, Duy Đặng – tác giả của Bộ sưu tập “SAIGON 2049 “đã thành công đưa Sài Gòn của năm 2022 lên con tàu thời gian và xuyên không đi đến những năm 2049, thể hiện ánh nhìn và lối tư duy đầy hiện đại thông qua bộ sưu tập tốt nghiệp. Giải thích cho ý tưởng độc đáo này, Duy Đặng chia sẻ “Mình nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu như mình có thể kết hợp được những nét truyền thống của Sài Gòn cùng với yếu tố vị lai của thời hiện đại. Sài Gòn đối với mình là màu trắng ngà từ chiếc áo sơmi của ba, là chiếc quần tây đen bằng vải thô của các chú hay giàn quần áo được phơi dưới cái trời nắng gay gắt 31 độ … Lấy ý niệm về văn hóa lâu đời của người Việt nói chung và lối sống thường nhật của người Sài Gòn nói riêng làm tiền đề, mình bắt tay vào thực hiện và tạo nên “SAIGON 2049” của riêng mình.
                            Bộ sưu tập “Saigon 2049” của Đặng Lê Duy
Nói không ngoa khi “SAIGON 2029” không quá đánh đố người xem phải đoán già đoán non về mặt chủ đề, khi nó đã thể hiện quá rõ ràng thông qua khâu xử lý chất liệu. Từ kỹ thuật xếp li nhiệt để gợi lên hình ảnh các cánh cửa kéo bằng sắt – một trong những kiểu dáng cửa đã gắn liền với kiến trúc nhà của người dân tại thành phố nhộn nhịp này, cho đến những đường cắt hình thoi mang đậm dấu ấn của Dinh Độc Lập. Bên cạnh đó, khi xét về mặt chất liệu, cha đẻ của “SAIGON 2049” cũng khá bám sát vào “Sài Gòn phiên bản gốc” khi sử dụng nhựa TPU – loại nhựa được lấy cảm hứng từ chất liệu áo đi mưa của người Sài Gòn, tạo cảm giác vừa mới lạ nhưng không kém phần thân thuộc.
Những đường cắt hình thoi mang đậm dấu ấn kiến trúc của Dinh Độc Lập
 
Nếu như “SAIGON 2029” như một bộ phim khoa học viễn tưởng đầy hiện đại, thì Bộ sưu tập “MỘT NGÀY NẮNG, KHÔNG MƯA, TRỜI XANH, MÂY HỒNG” là một bức tranh thời tiết đẹp mang chút hoài cổ của quá khứ. Giải thích về lý do lựa chọn chủ đề cho bộ sưu tập lần này, Lâm Minh Trí – tác giả của bộ sưu tập cho biết “Tại sao chúng ta luôn phải đi tìm nguồn cảm hứng ở một điều gì đó lớn lao, khi cái đẹp nó thật sự hiện hữu trong những ngày thường nhật qua chiếc đồng phục của các bác tài xế công nghệ Grab hay họa tiết hoa trên quần áo của những người mẹ, người bà.
Hai từ “thường nhật” là chưa đủ để làm nên bức tranh “MỘT NGÀY NẮNG, KHÔNG MƯA, TRỜI XANH, MÂY HỒNG”, việc pha chút hoài cổ của những năm 1970s là nét bút hoàn hảo để kể lại thời kỳ chiến tranh của Đất Nước. Khác với sự mất mát, đau thương mà người ta vốn dĩ sẽ nghĩ đến, bộ sưu tập là một câu chuyện vui vẻ với trang phục thường nhật của những cô gái trẻ và chàng lính Mỹ được khai thác là chính. Lấy concept Hybrid làm chủ đạo, tinh thần phóng khoáng, bụi bặm được thể hiện qua chiếc quần cargo với họa tiết rằn ri đặc trưng của quân đội hay áo Jacket camo dáng dài được biến tấu theo phiên bản đầy màu sắc hơn, cho đến knit long top kết hợp cùng Flared pant, gợi sự liên tưởng đến dấp dáng tà áo dài Việt Nam thời xưa cũ.
          BST “Một ngày nắng không mưa, trời xanh, mây hồng” của Lâm Minh Trí
 
 
     Hoạ tiết hoa văn trên trang phục được sinh viên hợp tác với nghệ sĩ trẻ Neptune Pluto
Không thể phủ nhận rằng, những sản phẩm thời trang mang đậm tính “Việt” lúc nào cũng mang lại một sức hút lạ kỳ. Thật đáng mừng khi nét đẹp truyền thống ấy vẫn không bị mai một giữa một rừng concept mới lạ và độc đáo khác. Với nguồn cảm hứng vô tận cùng với lối tư duy thời trang thông minh, các bạn sinh viên thiết kế thời trang Đại học Hoa Sen đã khéo léo truyền tải nét đẹp “rất Việt, rất Sài Gòn” vào thời trang đương đại, góp phần vào việc gìn giữ và đưa nét đẹp truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với thế hệ Gen Z.
Người thực hiện bài viết: Sinh viên Lê Ngọc Phương Thảo- TK20 Ngành Thiết kế Thời trang
Thu Trang