Để bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn của người con, Ngày của Mẹ đã ra đời và được đón nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguồn gốc Ngày của Mẹ
Có nhiều giả thiết về nguồn gốc ra đời Ngày của Mẹ. Nhiều tài liệu cho rằng ngày lễ này có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, thời mà con người tôn thờ các vị thần, đặc biệt là Rhea – nữ thần của sự sinh sản, được coi như mẹ của các vị thần trên đỉnh Olympus.
Giả thiết khác cho rằng Ngày của Mẹ xuất hiện đầu tiên ở Anh vào khoảng năm 1600. Ngày này được tổ chức hàng năm, trước lễ Phục sinh 40 ngày. Trong Mother’s Day, các em nhỏ thời ấy có tục tặng hoa hoặc bánh trái cây cho người mẹ thân yêu của mình. Tuy nhiên sau vài trăm năm, phong tục này dần mai một và bị quên lãng ở thế kỷ thứ XIX.
Ngày của Mẹ phiên bản hiện đại ra đời tại Mỹ đầu thế kỷ XX theo sáng kiến của cô gái có tên Anna Jarvis.
Cách đây 100 năm, bà Ann Maria Reeves Jarvis – một phụ nữ ở Bang West Virginia, Mỹ đã lập ra một nhóm có tên gọi “Ngày của tình mẹ” với mong muốn gắn kết lại tình cảm gia đình vốn đã bị chia cắt bởi nội chiến.
Sau khi thành lập nhóm, bà muốn tổ chức một ngày đặc biệt hàng năm để ghi nhớ kỷ niệm về những người mẹ. Nhưng không may, bà mất trước khi biến tâm nguyện này thành hiện thực.
Sau khi mẹ mất, Anna Jarvis – con gái của Ann Maria Reeves Jarvis – luôn day dứt bởi còn nhiều điều chưa làm được cho mẹ, và bởi thái độ thờ ơ của người dân Mỹ đối với lý tưởng của bà. Cô quyết tâm vận động để tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn quốc.
Anna Jarvis đã bền bỉ dấn thân vào việc vận động, đấu tranh để đề nghị Thượng nghị viện Mỹ tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn quốc nhằm hoàn thành mong muốn của mẹ. Sau nhiều nỗ lực, cô đã tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day) đầu tiên tại nhà thờ Andrews Methodist Church vào năm 1908.
Cùng với lễ kỷ niệm riêng của Anna Jarvis, các gia đình đã tụ tập tại nhiều điểm tổ chức sự kiện này ở quê hương của Jarvis ở Grafton, West Virginia và nhiều thành phố khác. Vào năm 1911, Ngày của Mẹ được tổ chức hầu hết các tiểu bang của Mỹ.
Và vào ngày 8/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson ký văn bản ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ. Sau đó, Ngày của Mẹ “phiên bản Mỹ” lan tỏa khắp thế giới.
Ý nghĩa Ngày của Mẹ
Đối với Anna Jarvis, Ngày của Mẹ là ngày mà mỗi người nên về nhà với mẹ và cảm ơn bà vì tất cả những gì bà đã làm cho mình. Đó không phải là ngày kỷ niệm của tất cả các bà mẹ, mà là ngày để bạn cảm ơn người phụ nữ tốt nhất của đời mình – mẹ của bạn. Đó là lý do tại sao Jarvis nhấn mạnh vào danh từ số ít “Mother’s Day” chứ không phải “Mothers’ Day”.
Hiện nay, “Ngày của Mẹ” do bà Jarvis khởi xướng lan rộng ra toàn thế giới. Vào ngày này, những người con sẽ tỏ lòng biết ơn mẹ của mình bằng cách thể hiện tấm lòng qua những câu chúc, những món quà tặng với mong muốn mẹ được vui vẻ, hạnh phúc.
Ngày của Mẹ ở các quốc gia trên thế giới
Ngày của Mẹ ở Mỹ
Được coi là ngày lễ lớn sau Giáng sinh và Lễ Tình nhân, người Mỹ kỷ niệm Ngày của Mẹ bằng cách mời mẹ đi ăn tối vì không muốn mẹ phải nấu nướng hay bận rộn vất vả trong ngày đặc biệt này. Những đứa trẻ thể hiện tình yêu với mẹ bằng bữa ăn sáng trên giường do chính chúng tự tay chuẩn bị. Trẻ em cũng thường hát hò, diễn kịch hoặc tặng thiệp và quà cho mẹ của mình.
Loài hoa thường được sử dụng trong ngày lễ này là cẩm chướng, có màu đỏ hoặc hồng. Người ta cũng đặt những bó hoa cẩm chướng màu trắng trên nấm mộ của người mẹ đã qua đời.
Ngày của Mẹ ở Australia
Ngày của Mẹ tại đất nước này cũng được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Giống như nhiều quốc gia khác, người Australia coi đây là cơ hội để bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn đối với Mẹ. Trẻ em cũng tặng hoa và thiệp cho người phụ nữ sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Người Australia có truyền thống cài hoa cẩm chướng trong Ngày của Mẹ. Hoa cẩm chướng màu đỏ hoặc hồng dành cho những người có mẹ còn sống, hoa cẩm chướng trắng để tưởng nhớ người mẹ đã qua đời. Ngoài mẹ ruột, mọi người còn thể hiện lòng tôn kính với bà và những người phụ nữ đã yêu thương chăm sóc mình.
Ngày của Mẹ ở Pháp
Pháp chọn Chủ nhật cuối cùng của tháng 5 làm Ngày của Mẹ. Ngoài hoa tươi, những chiếc bánh hình bông hoa cũng được lựa chọn để tặng đến các bà mẹ.
Ngày của Mẹ tại Mexico
Ở đất nước này, Ngày của Mẹ diễn ra vào 10/5. Vào ngày này, các nhà hàng phải phục vụ hết công suất vì người dân dẫn mẹ đi ăn rất đông. Họ quan niệm rằng: “Mẹ là người làm việc vì chúng ta, nấu nướng, dọn dẹp cho chúng ta, vì thế ít nhất có một ngày trong năm, chúng ta phải đưa mẹ ra ngoài và để ai khác nấu nướng thay”.
Ngày của Mẹ ở Anh và Ireland
Ngày của Mẹ ở đây được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ tư của tháng chay Cơ Đốc, vì thế nó còn được gọi là “Ngày Chủ nhật của Mẹ”.
Trong ngày này, người Ireland bày tỏ tình yêu và và lòng kính trọng của họ với đấng sinh thành và nuôi nấng mình bằng hoa và thiệp. Các chương trình biểu diễn và những vở hài kịch được tổ chức ở nhiều nơi.
Người Anh tặng quà để cám ơn mẹ về tình yêu và sự động viên dành cho mình. Hoa hồng, cẩm chướng và cúc là những món quà được ưa chuộng nhất trong dịp này. Họ còn có phong tục làm bánh Simnel – bánh hạnh đào – tặng mẹ.
Ngày của Mẹ ở Nhật
Sau thế chiến thứ II, người Nhật Bản dần công nhận Ngày của Mẹ. Trước đó, Nhật Bản cấm hoàn toàn những ảnh hưởng, hoạt động du nhập từ phương Tây.
Vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm, người Nhật Bản chọn mua hoa cẩm chướng màu đỏ để tặng mẹ. Dĩ nhiên, những món quà vẫn luôn là thứ không thể thiếu.
Thu Minh/TH