Ngày càng nhiều ông bố bà mẹ đầu tư cho con học ngoại ngữ, có người cho con làm quen với ngoại ngữ từ giai đoạn mầm non. Câu hỏi đặt ra là có nên cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm?
Trẻ tiếp thu nhanh khi học ngoại ngữ sớm.
Với điều kiện tài chính dư dả, chị Thu Hà (quận 7, TP.HCM) quyết định cho con học tại một trường quốc tế ngay từ cấp I để con tập làm quen dần với ngoại ngữ. Theo chị, cho con học tiếng Anh ở độ tuổi còn nhỏ sẽ thuận lợi vì khả năng tiếp thu của trẻ còn nhạy bén và cũng dễ điều chỉnh cách phát âm hơn.
“Trong môi trường quốc tế, trẻ có cơ hội tiếp xúc với giáo viên người bản xứ hoặc trò chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh, từ đó rèn luyện được khả năng giao tiếp từ sớm”, chị nói.
Trong khi đó, một số phụ huynh chọn cách cho con đến trung tâm ngoại ngữ. Chị Quỳnh Như (quận Tân Bình) bắt đầu cho con học tiếng Anh khi bé chuẩn bị lên lớp 3.
Sau gần một năm, chị nhận thấy con có phản xạ tốt hơn khi xem những chương trình truyền hình nước ngoài. Con chị cũng mạnh dạn, tự tin hơn khi bắt chuyện với người bản xứ.
“Đôi khi người lớn có suy nghĩ ngại phát âm sai, ngại bị chê cười, trong khi trẻ em học ngoại ngữ một cách tự nhiên và thoải mái, vì vậy tiếp thu rất nhanh”, chị Như nhận định.
Ảnh minh họa nguồn internet
Lúc nào thì cho trẻ học ngoại ngữ?
Theo bà Catherine Ford, giáo viên Trường Moreton (Anh), độ tuổi thích hợp để bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ là 3 tuổi.
Bà dẫn các nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết việc học ngoại ngữ từ sớm giúp trẻ tăng khả năng tư duy phản biện, sự sáng tạo và trí tuệ cũng linh hoạt hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, cũng như các loại cơ, bộ não sẽ hoạt động tốt hơn khi liên tục vận động. Việc học ngôn ngữ liên quan đến khả năng ghi nhớ các quy tắc và từ vựng, từ đó giúp tăng cường các cơ thần kinh.
Trong nghiên cứu do tiến sĩ Pascual-Leone, giáo sư y khoa tại Trường Harvard thực hiện, việc học một ngôn ngữ thứ hai còn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa của não bộ. Người học càng trẻ tuổi, khả năng bắt chước các âm thanh và cách phát âm của họ càng tốt.
Những trẻ học ngoại ngữ sớm có khả năng đồng cảm tốt hơn, có sự tò mò về những nền văn hóa và ý tưởng mới. Bên cạnh đó, trẻ cũng có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
Tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn chuyện cho con học ngoại ngữ sớm, nhất là sau khi có nghiên cứu cho rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể làm chậm sự tiếp nhận tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Về điều này, chị Nguyễn Phương Anh, một phụ huynh ở quận Gò Vấp, cho rằng việc trẻ học tiếng mẹ đẻ thuận lợi hay khó khăn không phải do học tiếng Anh sớm mà do phương pháp của cha mẹ.
Chị cho biết vợ chồng chị đã và đang cho hai con học tiếng Anh khi các cháu chưa vào lớp 1, chưa biết mặt chữ và thấy mọi thứ đều ổn.
“Ở trường tiếng Anh, cháu được thầy cô người bản xứ dạy phát âm chuẩn, nhận dạng và gọi tên các đồ vật quen thuộc bằng tiếng Anh. Thầy cô cũng dạy cháu bảng chữ cái A, B, C… qua các bài hát vui nhộn.
Còn ở nhà, vợ chồng tôi dạy cháu làm quen với tiếng Việt, chỉ cho cháu chữ A, Ă, Â… Chúng tôi cũng dạy cháu cách đọc chữ A bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Quan trọng là phương pháp dạy con ra sao thôi. Chẳng hạn chúng tôi dạy con theo cách rất nhẹ nhàng, thông qua các bài tập đơn giản, sinh động như cho con tập hát, kể chuyện, đọc thơ, diễn kịch…”, chị chia sẻ.
Chị Quỳnh Như (quận Tân Bình) cũng cho biết dù đầu tư cho con học tiếng Anh sớm, chị vẫn luôn khuyến khích con trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ, tránh học lệch. “Mỗi khi con dùng từ đệm tiếng Anh vào các câu tiếng Việt, tôi thường yêu cầu cháu phải sửa lại cho đúng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Học ngoại ngữ sớm là điều tốt, nhưng các bậc phụ huynh nên tập cho trẻ cách sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ, không hình thành những thói quen làm mất khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Việt”, chị nhấn mạnh.
Thanh Lam -T/h