Nếu còn mơ hồ về cách nấu canh măng thì chị em nhất định cần ghim ngay cách làm này.
Không cần dài dòng: Rằm tháng Chạp, ông Công – ông Táo, tất niên hay những bữa cơm trong dịp Tết của các gia đình Việt chắc chắn không thể nào vắng bóng canh măng khô. Tết chỉ còn cách chúng ta đúng 15 ngày nữa thôi!
Nếu chị em vẫn còn đang mơ hồ về cách nấu canh măng, bài viết này của chúng tôi sẽ giúp bạn tự tin vào bếp!
Ảnh minh họa nguồn internet
Nguyên liệu để nấu canh măng – chân giò
Măng khô: 500gr
Móng giò: 1 cái
Xương: 300gr lợn
3 củ hành khô băm nhuyễn
Gia vị: Muối, nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu, hành lá
Ảnh minh họa nguồn internet
Bí quyết chọn mua măng khô ngon
Bạn nên chọn mua những loại măng có màu vàng nâu, được cắt thành miếng nhỏ và chưa tẩm muối. Nếu mua măng miếng to, thời gian ngâm măng và luộc măng sẽ lâu hơn. Măng nguyên chất phải còn lưu giữ mùi hương đặc trưng là măng mới. Măng khô chọn măng búp vàng đều không có xơ là măng non.
Cách nấu canh măng – chân giò
Bước 1: Măng khô sau khi mua về, bạn hãy rửa sạch và ngâm ít nhất 1 đêm. Bạn có thể ngâm nước vo gạo vào ngày đầu tiên, đến những ngày tiếp theo, thay bằng nước sạch hằng ngày vào để măng nở hết, và có thể loại bỏ hết chất bẩn, giúp măng trở nên trắng và ngon hơn.
Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ, để măng ráo nước thì cho vào nồi nước và tiếp tục đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất một giờ với lửa trung bình.
Sau đó, tiếp tục gạn hết phần nước đã đun, cho thêm nước mới và đun trong khoảng một tiếng nữa để măng mềm đều. Trong quá trình đun, nếu thấy nồi măng cạn nước, phải châm thêm nước vào sao cho măng luôn phải ngập trong nước.
Ảnh minh họa nguồn internet
Bước 2: Khi măng đã chín mềm, vớt măng cho vào rổ để ráo nước và đợi đến khi măng nguội hoàn toàn thì xé măng thành từng sợi mỏng và vừa ăn, sau đó tiếp tục rửa lại bằng nước sạch. Thao tác như vậy, chị em sẽ giúp món canh măng trở nên hấp dẫn và dễ ăn hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa nguồn internet
Bước 3: Cho hành khô vào phi thơm. Sau đó cho măng vào xào qua, thêm khoảng 1-2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê nước mắm cho măng được ngấm gia vị.
Bước 4: Móng giò và xương rửa sạch, xát muối vào cho khử hết mùi hôi của thịt lợn, sau đó đem chần qua nước nóng để khi hầm xương nước dùng sẽ trong hơn.
Bước 5: Cho móng giò và xương vào nồi ninh trong vòng 30 phút. Khi ninh xương và móng giò, chị em lưu ý nếu nồi có bọt, phải vớt hết bọt ra để nước canh được trong, không bị vẩn đục. Nếu muốn nước dùng thơm hơn nữa thì bạn có thể cho thêm một mẩu quế nhỏ.
Bước 6: Sau khi nồi móng giò và xương đã ninh đủ thời gian, bạn cho măng khô đã xào trước đó vào nồi, tiếp tục ninh đến khi măng mềm, móng giò và xương chín nhừ là được. Nêm gia vị tùy theo khẩu vị là chị em đã hoàn thành xong món măng ninh chân giò rồi!