LẤP “KHOẢNG TRỐNG” TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

Câu chuyện đau lòng về  một nữ sinh lớp 10 phải tự vẫn nghi do bạo lực học đường đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh các phụ huynh và nhà trường về sự nguy hiểm của bạo lực học đường, khi mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời.
Tuy vấn đề tư vấn tâm lý học đường đang dần được chú trọng nhưng vì nhiều lý do nên hoạt động này trong trường học vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Ghi nhận của chương trình tại TP Hà Nội.
Phòng tư vấn tâm lý học đường của ngôi trường này đã được thành lập từ năm 2002. Những tâm tư, vướng mắc trong cuộc sống và học tập của các em sẽ được các chuyên viên tâm lý sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ.
Cô Nguyễn Thanh Ngà – Chuyên viên tâm lý học đường trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Hà Nội
“Cái mức độ đơn giản như khó khăn trong học tập, rối loạn phát triển, thế thì mình phải nhận định được vấn đề ban đầu của các em để có thể tư vấn cho giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh như về bạo lực học đường, chất gây nghiện … chất gây nghiện khác thì cũng rất là nhiều.”
Học sinh THPT ở lứa tuổi tâm sinh lý đang phát triển mạnh, trong khi nhận thức các vấn đề trong cuộc sống còn thiếu hụt. Tuy nhiên, không phải em nào khi có khúc mắc cũng tìm đến phòng tư vấn tâm lý.
Em Hoàng Lê Bảo Ngân – Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Hà Nội
“Bản thân em rất khó khăn việc chia sẻ với người khác ban đầu em cũng đấu tranh tư tưởng rất là nhiều nhưng sau khi mình vượt qua những cái đấy thì mình lại thấy nó rất dễ dàng và thích chia sẻ với người khác hơn, cảm thấy cởi mở hơn nhiều.”
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu tính riêng ở Hà Nội chỉ có hơn 20 trường trung học có hoạt động tham vấn học đường khá bài bản. Số còn lại, phần lớn cán bộ làm công tác tư vấn trong trường học đều là giáo viên kiêm nhiệm nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Cô Nguyễn Kiều Trang – Trường THPT Phúc Lợi, TP.Hà Nội
“Khó khăn là mình không chuyên về tư vấn nên kỹ năng và kiến thức cũng chỉ trong một giới hạn nhất định, mình sử dụng kiến thức kinh nghiệm cá nhân để tư vấn cho các con”
Trong khi tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ ngày càng phổ biến, thì vấn đề chuẩn hoá, chuyên nghiệp hoá hoạt động tư vấn tâm lý học đường càng trở nên cấp thiết.
Giảng viên Nguyễn Thúy Quỳnh – Khoa tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
“Thời lượng dành cho hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và thời lượng kỹ năng tư vấn tâm lý học đường nhưng cũng trang bị được cho các em năng lực quản lý hành vi học sinh và trợ giúp học sinh hiệu quả.”
Thực tế cho thấy, những hành vi bạo lực cần được ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu. Để giải quyết được những mâu thuẫn, khúc mắc của học sinh thì quan trọng nhất vấn là sự quan tâm, sâu sát của những người có trách nhiệm./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Truyền Hình Thông Tấn