Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu

0
134
Dưới đây là 4 bí quyết giúp bạn tiết kiệm tiền thành công.

Xác định mục tiêu tiết kiệm

Tiết kiệm tiền thành công sẽ không xảy ra nếu bạn chỉ nghĩ rằng “Tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó”, “Có ý thức tiết kiệm là tốt rồi, còn đến đâu thì đến”,… Đây chính là lí do vì sao bạn chưa có đủ động lực và kiên nhẫn tiết kiệm. Nếu không có mục đích cụ thể thì rất khó để bạn hình thành được thói quen tiết kiệm lâu dài.

Để tiết kiệm tiền thành công, trước tiên, bạn nên bắt đầu vạch ra rõ ràng mục tiêu tiết kiệm của mình. Đó có thể là tiết kiệm để trả nợ, tiết kiệm để mua nhà mua xe, tiết kiệm để phát triển bản thân, tiết kiệm để dưỡng già, tiết kiệm để làm từ thiện,…

Người xưa có câu: “tích tiểu thành đại” hay “năng nhặt chặt bị”, những khoản tiền đáng kể sẽ được hình thành nhờ những thói quen nho nhỏ hàng ngày của bạn như: thường xuyên ăn cơm nhà thay vì ăn hàng, tắt bớt thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng thẻ thành viên hay tích điểm khi mua sắm để được nhận nhiều ưu đãi hơn,…

Ghi chép các khoản chi

Dù là thu nhập cao, trung bình, hay thu nhập thấp, bạn cũng nên ghi chép lại toàn bộ các khoản chi tiêu để thuận lợi cho việc tổng kết chi tiêu mỗi cuối tháng. Nhờ việc ghi chép tỉ mỉ danh sách thu chi, bạn có thể đánh giá lại những khoản chi của mình xem khoản chi nào chưa hợp lí, có thể điều chỉnh cắt giảm vào tháng tiếp theo. Ngày nay, việc ghi chép chi tiêu càng trở nên dễ dàng hơn bởi bạn có thể dùng các ứng dụng quản lý thu chi ngay trên smartphone để quản lý dòng tiền một cách thuận tiện, cụ thể.

Cân nhắc lại những khoản chi cho sở thích cá nhân

Những khoản chi cho đời sống thiết yếu như sinh hoạt, điện nước rất khó để cắt giảm, song những khoản chi tiêu cho sở thích cá nhân lại dễ dàng thắt chặt hơn. Bạn không nhất thiết phải bỏ hết những khoản chi cho sở thích của mình, bởi chúng có thể tiếp thêm năng lượng và niềm vui sống, nhưng bạn có thể cân nhắc giảm bớt một số khoản trong điều kiện cho phép. Ví dụ, bạn thường xuyên đi cafe 1 tuần 2 lần, đi xem phim 1 tuần 2 lần,… hãy giảm tần suất xuống một nửa so với tần suất ban đầu.

Trì hoãn trước khi mua một món đồ giá trị

Nếu tình cờ thấy một món đồ mình muốn, hãy thử cho bản thân một khoảng thời gian chờ trước khi mua nó. Khoảng thời gian đó ít nhất là 24 tiếng để bạn suy nghĩ, cân nhắc và xem xét xem món đồ đó có thực sự xứng đáng với số tiền bạn “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” kiếm ra hay không, hay chỉ là ham muốn nhất thời. Tập cho bản thân thói quen cân nhắc mỗi khi mua đồ bằng cách tự hỏi món đồ đó có giúp bạn tiến gần hơn hay xa hơn mục tiêu tiết kiệm của chính mình.

Tune (Tổng hợp)