Công dụng của bí đỏ
Bí đỏ hay còn gọi là bí ngô. Tên khoa học Cucurbita maxima Duch. Thuộc họ Bầu bí – Cucurbitaceae.
Theo bác sĩ Lê Thân, tác giả cuốn sách “Thuốc ở quanh ta” (NXB Đà Nẵng 2020), thịt quả bí đỏ có rất nhiều công dụng gồm: làm mát, nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, giảm đau, giải độc.
Đặc biệt, bí đỏ được dùng trong các trường hợp viêm đường tiết niệu, trĩ, kiết lỵ, ăn chậm tiêu, táo bón, đái đường, mỡ máu cao, đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, lão hóa sớm… nên nó được xem có tác dụng “bổ não”.
Súp hoặc canh bí đỏ đặc biệt thích hợp cho những người béo muốn giảm cân hiệu quả và an toàn.
Hạt bí đỏ rang để ăn rất thơm và béo, có tác dụng tẩy giun sán, không kích thích và không độc.
Cách dùng bí đỏ
– “Bổ não”, tăng trí nhớ, tăng phấn chấn, suy nhược thần kinh, hay quên, khó ngủ, nhức đầu, trầm cảm: bí 1 trái khoét ruột, đổ vào ruột 1/2 lon đậu đen xanh lòng hoặc đậu xanh, nấu chín để ăn. Vào mùa hè oi bức nên ăn thường xuyên món này để giải nhiệt. Nấu canh, nấu chè như dân gian thường dùng với đậu phộng, khoai từ…
– Mỡ máu cao, thịt bí rợ xào tỏi, mộc nhĩ bằng dầu phộng; ăn với cơm.
– Đái dắt, nóng buốt: rễ bí đỏ 20g, lá mã đề 15g; sắc uống.
– Ăn chậm tiêu, táo bón (nhất là đối với người già và trẻ em), thiếu máu: thịt bí rợ nấu chè, cháo với khoai lang, hạt sen, đậu ván trắng.
– Sản phụ ít sữa, hạt bí đỏ sống 25 – 30g, lột vỏ cứng ở ngoài, giữ vỏ lụa xanh ở trong, giã nhuyễn, hòa nước uống hoặc nấu cháo cùng móng giò heo. Dây bí một nắm, thêm chút muối vào giã nát; sắc uống.
– Quáng gà, mỏi mắt: gan gà hấp với hạt bí đỏ giã hay nghiền nát. Bông bí rợ xào với gan heo. Thịt trái bí rợ hầm với đậu xanh.
– Phù thũng, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn: cuống bí đỏ thiêu tồn tính, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 – 1,5g bột nói trên, dùng nước ấm chiêu thuốc.
– Nấc, trẻ em nôn mửa: cuống bí rợ 4 cái sắc uống, liên tục 3 – 4 lần.
– Đau răng: rễ bí rợ 20 – 30g, sắc nước uống.
Lưu ý
– Nếu dùng dài ngày bí đỏ, một số người bị bàn tay vàng, nên nghỉ không dùng một thời gian dài, thì màu da đó sẽ tự hết; vì thế không được dùng dài ngày mà phải dùng ngắt quãng từng đợt.
– Trong khi điều trị đái tháo đường bằng các thuốc Tây y đặc hiệu, không nên ăn nhiều bí đỏ vì có thể có tác dụng hiệp đồng, gây hạ đường huyết.
– Ăn bí đỏ với thịt dê dễ sinh vàng da, với thịt cừu dễ gây cước khí.
Tường Minh/TH